5 cách giúp thúc đẩy sự phát triển các giác quan của bé 0-1 tuổi

Trí não & Nhận thức - 05/02/2020

0-1 tuổi là giai đoạn các giác quan của bé phát triển mạnh mẽ. Nếu được bố mẹ hỗ trợ phù hợp thì các giác quan đó sẽ được kích thích, giúp bé càng dễ phát triển các tiềm năng của mình.

Trong năm đầu đời, sự phát triển các giác quan của bé diễn ra vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ. 5 giác quan của bé chính là công cụ để bé tiếp nhận thông tin và phản ứng lại với thế giới xung quanh. Để giúp bé phát triển toàn diện ngày từ nhỏ, bố mẹ nên hỗ trợ bằng một số hoạt động nuôi dưỡng và phát triển giác quan của bé nhé!

Thị giác

Khi mới sinh ra, bé chỉ nhìn thấy được những sự vật cách xa mắt mình 20-30cm, mà cũng chỉ thấy một cách mờ ảo. Chủ yếu là bé nhìn được hình dạng và sắc thái (vật đó to hay nhỏ, có màu sáng hay tối) mà thôi. Khi được 4 tháng tuổi, bé có thể nhìn được xa hơn và biết nhìn theo các đồ vật di chuyển. Còn khi được 5 tháng tuổi, bé sẽ có thêm nhận thức về chiều sâu. Ở giai đoạn này, bé cũng bắt đầu nhìn ra được các màu sắc. Đến khoảng 8-12 tháng tuổi, bé thậm chí có thể sử dụng nhận thức về chiều sâu của mình để ước lượng khoảng cách xa gần.

Để giúp bé phát triển thị giác, bố mẹ nên trang trí phòng ngủ, nôi hay cũi của bé bằng những thứ có màu sắc tươi sáng và nhiều họa tiết. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên thay đổi vị trí nôi và khi cho bé ăn thì cũng thay đổi hướng ngồi của chính mình để bé được nhìn từ nhiều góc độ. Khi nói chuyện với bé, bố mẹ hãy để khuôn mặt mình nằm trong tầm nhìn của bé. Khi bé được 4 tháng tuổi, bố mẹ nên chơi ú òa để giúp bé kết hợp tay và mắt tốt hơn. Còn nữa, bố mẹ cũng nên cho bé đi ra ngoài để ngắm nhìn được nhiều cảnh vật. Khi bé tỏ ra thích thú điều gì đó, bố mẹ hãy dừng lại để bé “nghiên cứu” kỹ hơn nhé.

Các giác quan của bé có sự liên quan mật thiết đến nhau.
Các giác quan của bé có sự liên quan mật thiết đến nhau.

Thính giác

Thính giác của bé phát triển từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ. Vì vậy, khi mới ra đời thì bé đã quen với giọng nói của mẹ rồi. Bé sơ sinh rất nhạy cảm với sự thay đổi âm thanh nên có thể giật mình vì tiếng đóng cửa hay tiếng nói to của khách khứa. Tuy nhiên, khi bé ngủ thì lại có thể ngủ khá say, xung quanh ồn ào cũng không sao. Ở giai đoạn sơ sinh, bé rất dễ bị xao nhãng bởi các âm thanh. Đến khi được 2 tháng tuổi, bé bắt đầu cố bắt chước các âm thanh bằng những tiếng gừ gừ, rồi đến khi 4 tháng tuổi, bé sẽ ê a được nhiều hơn. Lúc được khoảng 6 tháng tuổi, bé có thể bắt đầu bắt chước những âm thanh mà bố mẹ tạo ra.

Thính giác là một trong các giác quan của bé cần được quan tâm.
Thính giác là một trong các giác quan của bé cần được quan tâm.

Một số hoạt động như trò chuyện, đọc sách, hay hát cho bé nghe đều giúp bé phát triển thính giác, hình thành tính cách, thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cũng như giúp tăng cường kết nối giữa bố mẹ và con cái. Trong khi nói chuyện, bố mẹ nên dùng giọng ngân nga như đang hát để bé chú ý tới những ngữ điệu khác nhau. Bố mẹ cũng nên cho bé lắng nghe những âm thanh của cuộc sống thường ngày và nói về những gì bé đang nghe thấy. Với những bé khó ngủ, bố mẹ nên bật loại máy nào đó tạo ra tiếng ồn trắng (tiếng quạt chạy, tiếng radio đều đều...) để giúp bé cảm thấy êm dịu và dễ ngủ hơn.ư

Xem thêm: 5 trò chơi đơn giản giúp bé 0-1 tuổi phát triển đa giác quan

Xúc giác

Trong các giác quan của bé, thì xúc giác phát triển tốt nhất ở thời điểm bé mới ra đời. Nhờ xúc giác, bé có thể phân biệt được nhiệt độ, chất liệu, hình dạng và thậm chí là trọng lượng của đồ vật. Nhờ giác quan này, bé cũng cảm nhận được những cái ôm của bố mẹ, nên bé sẽ thấy ấm áp và an toàn như khi ở trong bụng mẹ vậy. Bé cũng khám phá mọi thứ bằng cách sờ và thậm chí là cho đồ vật vào miệng. Vì vậy, bố mẹ hãy đảm bảo rằng những thứ bé cầm được đều là sạch sẽ và an toàn nhé! Khi khả năng điều khiển tay và cánh tay tốt hơn, bé sẽ với ra và tóm lấy bất kỳ thứ gì mà bé có thể.

Việc phát triển các giác quan của bé sẽ giúp bé khám phá thế giới xung quanh hiệu quả hơn.
Việc phát triển các giác quan của bé sẽ giúp bé khám phá thế giới xung quanh hiệu quả hơn.

Cách tốt nhất để bố mẹ giúp bé phát triển xúc giác là ôm bé thật nhiều. Việc tiếp da (áp da của bé vào da bố mẹ) là rất tốt cho bé, đặc biệt ở giai đoạn sơ sinh. Sau khi tắm xong, bố mẹ có thể bôi kem dưỡng lên người bé và nhẹ nhàng xoa bóp cho bé. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên cho bé chạm vào hoặc áp da vào nhiều loại đồ dùng với chất liệu khác nhau, như quả bóng nhựa, gấu bông, chăn nỉ… Khi bé lớn hơn và cầm nắm tốt hơn, bố mẹ hãy đưa bé cầm các loại đồ chơi với hình dạng, kích thước và chất liệu khác nhau nữa nhé!

Khứu giác

Từ khi mới sinh, bé đã rất nhạy cảm về mùi. Bé có thể nhận ra mùi của mẹ ngay từ ngày đầu tiên và trong vòng một tuần, bé sẽ nhận ra được mùi của mọi người trong nhà. Thậm chí, bé cũng phân biệt được mùi của sữa mẹ và sữa công thức. Điều này sẽ gây một chút rắc rối cho mẹ vào thời điểm bé được 3-4 tháng tuổi. Đây là lúc bé có thể bắt đầu ngủ xuyên đêm, nhưng nếu mẹ ở gần để dỗ bé thì bé sẽ nhận ra mùi của mẹ và đòi bú. Ngoài ra, bé cũng dùng khứu giác để học hỏi về thế giới xung quanh, cũng như phân biệt giữa sự an toàn và những nguy hiểm tiềm tàng.

Bố mẹ nên cho bé tham gia nhiều hoạt động phát triển các giác quan của bé.
Bố mẹ nên cho bé tham gia nhiều hoạt động phát triển các giác quan của bé.

Theo các bác sĩ nhi khoa, bố mẹ nên dùng đều đặn những sản phẩm (hóa mỹ phẩm) nhất định, vì bé thích sự quen thuộc. Mẹ nên tránh dùng những sản phẩm có quá nhiều mùi trong thời gian cho bé bú, vì chúng át mùi sữa mẹ, khiến bé băn khoăn hoặc lo lắng. Để giúp khứu giác của bé phát triển, hằng ngày, bố mẹ nên cho bé tiếp xúc với nhiều mùi hương tự nhiên và nói về các mùi đó để giúp bé phát triển ngôn ngữ nữa.

Vị giác

Vị giác của bé đã phát triển hoàn thiện ngay khi bé ra đời. Các em bé sinh ra đã thích vị ngọt và có thể phát hiện được vị của các món mà mẹ ăn thông qua sữa mẹ. Vì vậy mà bé có thể thích bú mẹ hơn nếu trước đó mẹ ăn một số món nhất định (như bánh ngọt chẳng hạn).

Bố mẹ hãy cố gắng phát triển các giác quan của bé thật toàn diện nhé.
Bố mẹ hãy cố gắng phát triển các giác quan của bé thật toàn diện nhé.

Trong thời gian cho bé bú, mẹ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cả mẹ và bé đều nhận đủ dinh dưỡng. Còn khi bé bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi), bố mẹ nên cho bé thử nhiều loại đồ ăn với các hương vị khác nhau. Điều này sẽ giúp bé dần quen thuộc với nhiều loại hương vị của chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng thức ăn hoặc bé bị chàm da thì bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé ăn những loại thức ăn mới lạ nhé!

Mong rằng với bài viết này của ODPHUB, bố mẹ đã hiểu thêm về sự phát triển các giác quan của bé và có nhiều hoạt động phù hợp, giúp bé phát triển toàn diện.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận