Tư thế cho con bú đúng cách mẹ bỉm sữa nào cũng cần biết

Thể chất & Dinh dưỡng - 13/05/2020

Cho con bú tưởng chừng là việc rất đơn giản nhưng không phải mẹ nào cũng làm được. Vậy đâu là tư thế cho con bú đúng cách?

Với những ai lần đầu làm mẹ, việc tuân thủ đúng tư thế cho con bú đúng cách không hề đơn giản. Nhiều mẹ còn cảm thấy lo lắng và loay hoay không biết làm thế nào để bé bú đủ no. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số tư thế cho con bú đúng cách để mẹ áp dụng. Tùy vào hoàn cảnh, mẹ có thể lựa chọn một trong số những tư thế cho bé bú này sao cho thoải mái với cả mẹ và bé nhất nhé.

Tư thế cho con bú đúng cách ở tư thế ngồi

Ngồi cho bé bú là tư thế cho bú phổ biến nhất mà mẹ nào cũng nên biết. Do mỗi cữ bú kéo dài khoảng 30 phút nên mẹ cần chọn chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái như giường hoặc ghế tựa.  

Sau khi đã tìm được chỗ ngồi vững chắc, mẹ bế bé nằm ôm vào lòng, 2 tay tạo thành vòng cung vững chắc và lưu ý:

  • Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé.
  • Đảm bảo 3 điểm: Đầu – lưng – mông của bé nằm trên một đường thẳng. Bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt bé chạm ngực mẹ.

(lưu ý: sai lầm thường gặp là mẹ cho bé nằm ở tư thế ngửa và chỉ có đầu nghiêng về phía ngực mẹ, điều này sẽ làm cho bé cảm thấy không thoải mái khi bú mẹ và không tốt cho cổ của bé).

Tư thế cho con bú đúng cách khi ngồi.
Tư thế cho con bú đúng cách khi ngồi.

Các mẹ cho bé bú tư thế ngồi thường hay mắc sai lầm ở việc cho bé nằm ngửa và chỉ để đầu nghiêng về phía ngực mẹ, khiến bé không thoải mái. Ngoài cách đơn giản trên, mẹ có thể cho bé bú với tư thế ôm bóng hoặc tư thế ôm trẻ với cánh tay đối diện. 

Mẹ có thể chọn bất kỳ tư thế nào miễn mẹ cảm thấy thoải mái và thuận tiện và đảm bảo tư thế 3 điểm thẳng hàng (đầu – lưng – mông) và bé nằm nghiêng về hướng mẹ, bụng chạm bụng và mặt chạm ngực.

Tư thế cho bé bú nằm

Với các mẹ sinh mổ, sức khỏe kém không ngồi dậy được hoặc bú đêm thì bú nằm chính là giải pháp cho mẹ. Sau đây là hướng dẫn tư thế nằm cho con bú đúng cách:

Tư thế cho con bú đúng cách khi nằm.
Tư thế cho con bú đúng cách khi nằm.

  • Mẹ nằm nghiêng, có thể kê gối ở đùi và đầu gối.
  • Để bé nằm quay mặt vào bầu vú mẹ, kéo bé lại gần để ngậm bắt vú mẹ.
  • Mẹ có thể dùng tay đỡ đầu hoặc hông bé để bé bú mẹ dễ hơn.

Lưu ý, khi cho bé bú ở tư thế nằm mẹ nên cho đầu bé nằm cao hơn thân người để hạn chế sữa mẹ trào bị trào ngược 

Tư thế cho bú song sinh:

Khi cho hai bé bú cùng lúc hai bên vú sẽ tận dụng hoàn toàn lượng sữa mẹ. Vì khi một bé bú bên này, sữa ở bầu ngực bên kia cũng chảy theo. 

Tư thế cho con bú đúng cách đối với mẹ có bé song sinh.
Tư thế cho con bú đúng cách đối với mẹ có bé song sinh.

Mẹ có thể áp dụng tư thế cho bé bú song sinh như sau:

  • Đặt hai bé song song trên hai bên hông của mẹ, hai chân của hai bé để sau lưng mẹ. Đầu của hai bé hướng về trước và mặt áp vào đầu vú của mẹ.
  • Để không cảm thấy mỏi tay và nâng đỡ người hai bé tốt hơn, mẹ có thể dùng gối chữ U hoặc khăn dày lót ở dưới. Lưu ý, mẹ không được đặt bé tựa hoàn toàn xuống gối vì bé sẽ không bú sữa được.
  • Mẹ đặt lần lượt từng bé, khi bé này ổn định thì tiếp tục cho đặt bé còn lại.
  • Do trong hai bé sinh đôi có bé bú yếu hơn, bé bú mạnh hơn nên mẹ nên cho bé yếu hơn bú trước. Sau khi ổn định bé này thì cho bé bú mạnh hơn bú.
  • Mẹ thay đổi vị trí hai bé để lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và giúp mắt bé hoạt động cân đối.

>>> Xem thêm: 

Mẹo giúp việc cho con bú trở nên hiệu quả

Học cách nhận biết tín hiệu đói của bé

Mẹ nên quan sát bé nhiều hơn để biết tín hiệu đói của bé. Thông thường, khi đói, bé sẽ đưa cả bàn tay vào miệng để mút hoặc ngoảnh đầu để tìm vú mẹ. Khi thấy có vật chạm má, bé có thể quay lại phía đó để bú. Việc nắm bắt được các tín hiệu đói của bé sẽ giúp bé bớt hoảng loạn và không bị ngậm vú sai cách trong lúc bú. 

Tuân theo nhu cầu của trẻ

Khi đã chọn được tư thế ngồi thoải mái cho cả hai mẹ con, bé đã ngậm vú đúng cách, mẹ nên làm theo nhu cầu của bé. Một số bé cần bú cả hai bên mới đủ no, có bé khác chỉ cần một bên là đã thỏa mãn cơn đói rồi. Mẹ hãy cố gắng để bé uống cạn một bầu vú rồi mới chuyển sang bên còn lại vì sữa cuối mới nhiều chất béo, giúp bé tăng cân tốt. Nếu muốn biết bé có bú đủ hay không, mẹ cứ quan sát tã bỉm của bé. Bé ăn đủ, bé sẽ thay khoảng 5-6 chiếc tã một ngày.

Ôm bé sát người mẹ

Bé cảm thấy lạ lẫm với thế giới mới và cần có mẹ ở bên. Tiếp xúc da kề da giúp bé ít khóc hơn, nhịp tim và nhịp thở đều đặn hơn. Việc này cũng giúp việc bú mẹ của bé hiệu quả hơn. 

Em bé bú mẹ.
Mẹ nên ôm sát người bé để bé có thể ngậm đúng khớp ngậm.

Tránh sử dụng núm vú giả trong vài tuần đầu

Trong vài tuần đầu sau sinh, bố mẹ nên tránh cho bé sử dụng núm vú giả, bình sữa hay bổ sung sữa công thứ nếu muốn con bú mẹ hoàn toàn. Cho bé bú trực tiếp sẽ giúp cơ thể mẹ sản sinh sữa và khiến bé khỏi bị nhầm lẫn giữa núm giả và núm thật trong thời gian bắt đầu học bú mẹ.

Biết khi nào cần đánh thức bé

Dạ dày của trẻ sơ sinh khá nhỏ nên thường 2-3 tiếng là bé có thể bắt đầu đói rồi. Nếu sau thời gian trên, bé vẫn ngủ, mẹ có thể đánh thức bé bằng cách: thay tã, cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ, mát xa lưng, bụng và chân của bé. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần hạn chế việc cho bé vừa bú vừa ngủ do điều này có thể khiến bé bú không đủ no và ngủ không sâu giấc. Để hạn chế tình trạng này, trong lúc bú, mẹ có thể cù chân, hoặc bỏ vú ra khi thấy bé đang lim dim nhé. 

Việc cho con bú sẽ trở nên đơn giản nếu mẹ biết các tư thế cho con bú đúng cách. ODPHUB mong rằng qua bài viết này mẹ sẽ luôn tự tin trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận