Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt mà mẹ bỉm nào cũng cần biết

Thể chất & Dinh dưỡng - 06/05/2020

Bảo quản sữa mẹ đúng cách rất quan trọng với các mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bỉm biết cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt.

Duy trì được nguồn sữa mẹ càng lâu càng tốt cho con là mong ước của rất nhiều bà mẹ, đặc biệt là sau 6 tháng khi mẹ bắt đầu đi làm. Sử dụng máy vắt sữa và bảo quản sữa mẹ đúng cách sẽ giúp mẹ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên không phải mẹ nào cũng biết cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt an toàn và hợp vệ sinh. 

Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra ngoài

Sữa mẹ sau khi vắt ra ngoài rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào và làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể làm chậm quá trình này bằng cách tuân thủ một số quy tắc như: 

  • Trước khi vắt sữa, mẹ cần rửa sạch tay, dụng cụ vắt sữa và các bình trữ sữa. Việc làm này sẽ giúp hạn chế quá trình xâm nhập của vi khuẩn. 
  • Một trong những cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra mà mẹ chưa dùng ngay đó là cho sữa vào tủ lạnh hoặc tủ trữ. Nhiệt độ thấp sẽ làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn. Lưu ý, mẹ nên để sữa ở sâu trong tủ lạnh hoặc tủ đá để đảm bảo nhiệt độ luôn ổn định. 
  • Nếu mẹ sử dụng túi giữ nhiệt, mẹ lưu ý vệ sinh túi hằng ngày rồi mới cho bình sữa vào cùng với đá khô. Trong vòng 24 giờ, mẹ cố gắng mang bình hoặc túi sữa đến tủ lạnh hoặc tủ trữ đông càng sớm càng tốt. 

Sữa mẹ có thể bảo quản được bao lâu?

Thời gian sữa mẹ bảo quản dài hay ngắn phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ khác nhau. Chính vì thế, mẹ cần phải ghi lại thời gian vắt để đảm bảo trẻ được dùng sữa mẹ đúng hạn sử dụng. Nếu quá thời gian trữ, mẹ vẫn cần bỏ sữa đó đi dù sữa có mùi chua hay không. Bên cạnh đó, sữa mẹ có thể bị mất đi một số chất dinh dưỡng theo thời gian nên mẹ không nên giữ sữa mẹ trong tủ lạnh quá lâu. 

Dưới đây là thời gian sữa mẹ có thể bảo quản ở các điều kiện nhiệt độ khác nhau. Điều kiện bảo quản sữa này chỉ áp dụng với trẻ sinh thường, khỏe mạnh. Với trẻ sinh non, mẹ nên hỏi lại bác sĩ về cách bảo quản sữa mẹ vắt ra.

Cách bảo quản sữa mẹ dùng trong ngày

  • Nếu để sữa mẹ trong nhiệt độ phòng khoảng 25 độ C, sữa mẹ có thể để được tối đa 4 tiếng đồng hồ (ở điều kiện vô trùng, sữa mẹ có thể để được 6-8 tiếng)
  • Sữa mẹ ở trong túi giữ nhiệt có đó khô có thể để tối đa 4 tiếng.
  • Trong tủ lạnh ở mức nhiệt độ 4 độ C, sữa mẹ sẽ để được tối đa 5 ngày (nếu sữa được vắt ở điều kiện vô trùng có thể để được 8 ngày).

Để có thể bảo quản được sữa mẹ dùng trong ngày, mẹ nên cất sữa vào tủ lạnh ngay sau khi vắt xong. Thông thường, mẹ sẽ phải vắt nhiều cữ ở các thời điểm khác nhau trong một ngày mới đủ để trữ đông. Chính vì thế, để bảo bảo chất lượng sữa trữ, mẹ cần để toàn bộ sữa ở các cữ khác nhau về cùng nhiệt độ trước khi cho trữ đông. Mẹ nhớ nên ghi hạn dùng trên túi trữ sữa theo bình sữa cuối cùng. 

cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra ngoài
Sữa mẹ nếu bảo quản đúng cách sẽ để được khá lâu cho trẻ sử dụng.

Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

  • Sữa để trong tủ đông một cánh, trữ được 2 tuần.
  • Sữa để trong tủ đông có ngăn riêng: 3-6 tháng
  • Sữa để trong tủ đông chuyên sâu: 6-12 tháng.

Sữa sau khi rã đông có thể để được bao lâu?

  • Sữa sau khi rã đông chỉ để được 2 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ phòng.
  • Sữa sau khi rã đông chỉ để được 24 tiếng đồng hồ nếu mẹ để ở trong túi trữ đông hay tủ lạnh.

Lưu ý: Mẹ không được phép trữ đông lại những sữa đã rã đông.

Sữa trữ đông sau trong tủ lạnh.
Sữa sau khi rã đông không nên trữ đông lại để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Rã đông sữa mẹ thế nào?

Để rã đông sữa mẹ đã trữ, mẹ ngâm túi sữa trong nước ấm để sữa tan ra dần dần. Ngoài cách này, mẹ cũng có thể cho sữa trữ đông xuống ngăn mát tủ lạnh để sữa rã đông từ từ trong 12 tiếng. 

Lưu ý, mẹ tuyệt đối không được phép để sữa trữ rã đông ở nhiệt độ phòng vì có thể khiến sữa bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, việc sử dụng lò vì sóng để rã đông sữa mẹ là không được phép vì có thể khiến trẻ bị bỏng và làm mất đi một số dưỡng chất quan trọng của sữa mẹ. 

Sữa trữ đông ở trong tủ.
Mẹ không được sử dụng lò vi sóng để rã đông sữa trữ.

Cách làm nóng sữa mẹ cho trẻ

Trên thực tế, trẻ không cần sữa mẹ phải ấm mới uống. Mẹ chỉ cần hâm nóng sữa mẹ để đạt nhiệt độ khoảng 37 độ C, giống nhiệt độ cơ thể mẹ khi cho trẻ bú. Thông thường sữa mẹ khi cho vào tủ lạnh sẽ bị tách làm hai lớp, mẹ chỉ cần lắc nhẹ, hâm sữa với nước ấm rồi cho trẻ uống là được. Tuyệt đối không sử dụng lò vi sóng để hâm sữa mẹ nhé. 

>>> Xem thêm: 

Mẹ có nên trữ sữa thừa trẻ không uống hết không?

Một số mẹ hay giữ lại sữa trẻ không uống hết sau mỗi cữ để trữ lại cho đỡ phí. Tuy nhiên, việc làm này là không nên vì sữa trẻ uống thừa thường sẽ dính vi khuẩn từ nước bọt của trẻ nên chỉ có thể để lại tối đa 2 tiếng rồi bỏ đi. Để hạn chế tình trạng thừa sữa, mẹ có thể giảm lượng sữa ở mỗi cữ cho trẻ.

Các lưu ý khi trữ sữa cho trẻ

  • Mẹ nên trữ sữa cho trẻ bằng các bình thủy tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy kín. Ngoài ra, mẹ có thể dùng túi trữ sữa chuyên dụng để đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập vào sữa mẹ. Tuy nhiên. nếu cảm thấy chưa an tâm, mẹ có thể cho các túi sữa trữ vào một túi zip khác.
  • Khi trữ sữa vào túi hoặc bình, mẹ không nên đổ đầy bình hoặc túi,
  • Mỗi túi hoặc bình trữ chỉ nên đựng lượng sữa tương đương với một cữ sữa uống của trẻ. (khoảng 50ml -100ml/túi hoặc bình trữ)

Sữa trữ đông được ghi ngày tháng đầy đủ.
Mẹ cần ghi ngày trữ đông đầy đủ lên túi trữ cho trẻ.

  • Trước khi quyết định trữ đông sữa, mẹ cũng cần đảm bảo rằng trẻ sẽ uống sữa trữ. Thông thường, sữa trữ hay có mùi xà phòng do trữ đông sẽ khiến enzyme lipase làm phân hủy chất béo. Sữa này hoàn toàn an toàn và em bé nào cũng uống được. Tuy nhiên, nếu trẻ không thích mùi sữa trữ, mẹ có thể thanh trùng sữa mẹ trước khi cho lên trữ đông. Mẹ chỉ cần cho sữa ra chảo, đun lửa nhỏ đến khi thấy sữa sủi bọt nhẹ thì tắt bếp, để nguội rồi trữ đông như bình thường. 

ODP tin rằng sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất của trẻ nhỏ và hiểu được cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sẽ giúp mẹ giữ gìn và kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ hơn.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận