Trẻ sơ sinh bị khô da: Bố mẹ nên chăm sóc thế nào cho đúng?
Thể chất & Dinh dưỡng - 21/05/2020
Trẻ sơ sinh bị khô da có thể do nhiều nguyên nhân, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có được giải pháp tối ưu nhất để chăm sóc bé nhé!
Trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời chưa phát triển hoàn thiện về chức năng cơ thể, vì vậy những cơ quan còn mỏng manh của trẻ rất nhạy cảm. Đặc biệt, trong những tuần đầu tiên, trẻ sơ sinh bị khô da nứt nẻ cũng như bong tróc khiến cho bố mẹ rất lo lắng.
Vậy nguyên nhân gì khiến da trẻ sơ sinh bị khô sần và bong tróc? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về hiện tượng này cũng như cách chăm sóc da cho bé nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khô da và bong tróc
Ngoại hình của trẻ sơ sinh - làn da, mái tóc - sẽ có những thay đổi rõ rệt trong vài tuần đầu sau khi sinh, đặc biệt là làn da của bé. Da của bé có thể bị tróc vảy và bong ra chỉ vài ngày sau khi rời bệnh viện trở về nhà, thế nhưng đây là biểu hiện hoàn toàn bình thường. Da bé có thể bong tróc ở bất kỳ bộ phần nào trên cơ thể, tay, lòng bàn chân và gót chân.
Khi mới sinh ra, cơ thể trẻ được bao phủ bởi nhiều loại chất lỏng khác nhau, bao gồm nước ối, máu và vernix. Vernix là lớp sáp trắng dày, bảo vệ làn da của trẻ khỏi nước ối và ngăn không cho các vi khuẩn từ đường sinh dục của người mẹ xâm nhập vào cơ thể bé trong quá trình sinh nở.
Sau khi bé ra đời, y tá sẽ lau cơ thể bé nhẹ nhàng để loại bỏ máu và phân su. Vì vernix là chất bảo vệ, dưỡng ẩm cho da bé, cũng như giúp điều hòa thân nhiệt và giúp bé thích nghi với thế giới bên ngoài bụng mẹ tốt hơn, do đó, bác sĩ khuyến nghị chỉ nên tắm cho bé sau ít nhất 24 - 48 giờ.
Một khi lớp sáp vernix không còn trên da bé nữa, thì khoảng 1 - 3 tuần sau đó, da của bé bắt đầu lột lớp bên ngoài. Lượng da bong tróc còn tùy thuộc vào việc bé sinh non, đủ tháng hay có tuổi thai lâu hơn.
Bé sơ sinh càng có nhiều lớp sáp vernix trên da thì càng ít bong tróc da hơn. Trẻ sinh non thường có nhiều vernix hơn nên khi sinh sẽ ít bị bong da hơn những trẻ được sinh ra sau 40 tuần. Hiện tượng trẻ sơ sinh bị khô da và bong tróc sẽ tự động biến mất mà không đòi hỏi quá nhiều sự chăm sóc, vì vậy bố mẹ đừng quá lo lắng nhé!
Một số nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ sơ sinh bị khô da
Bệnh vảy cá
Trẻ sơ sinh bị khô da và bong tróc có thể do một chứng bệnh di truyền có tên là bệnh vảy cá. Bệnh này khiến cho da bé nổi vảy, rất ngứa và bị bong ra. Để xác định được đúng nguyên nhân gây ra tình trạng da trẻ sơ sinh bị khô, bác sĩ sẽ phải chẩn đoán dựa trên bệnh sử của gia đình và lấy mẫu máu hoặc da để kiểm tra.
Bệnh vảy cá tuy chưa có thuốc đặc trị nhưng thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm cũng có thể làm dịu và cải thiện làn da khô của bé.
Bệnh chàm da (eczema)
Trong một số trường hợp, da trẻ sơ sinh bị khô và mẩn đỏ, bong tróc do mắc bệnh chàm da (eczema), hoặc viêm da dị ứng. Chàm khiến cho trẻ sơ sinh bị khô da, mẩn đỏ và ngứa khó chịu. Chàm hiếm khi xuất hiện ngay sau khi bé vừa mới sinh, nhưng có phát triển dần sau đó. Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh chàm ở trẻ sơ sinh chưa được xác định rõ ràng. Có rất nhiều yếu tố có thể gây nên bệnh chàm và viêm da dị ứng, bao gồm kích ứng do sử dụng dầu gội và chất tẩy rửa không phù hợp.
Các sản phẩm từ sữa, đậu nành và lúa mì cũng có thể gây kích ứng hoặc góp phần khiến cho bệnh chàm trở nặng hơn ở một số người. Vì vậy, bố mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, đậu nành và lúa mì cho bé. Bên cạnh đó, khi cho bé đi khám, bác sĩ sẽ kê thuốc đặc trị dạng kem dưỡng dành riêng cho làn da bị kích ứng khi bị mắc bệnh chàm để làm dịu các vết khô cứng mẩn ngứa của bé, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
>>>Tham khảo thêm:
Trẻ sơ sinh bị khô da phải làm thế nào?
Da bong tróc là một biểu hiện rất bình thường ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên lại khiến cho nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng khi thấy trẻ sơ sinh bị khô da nứt nẻ ở nhiều vùng. Vậy trẻ sơ sinh bị khô da nên bôi gì? Bố mẹ hãy tham khảo các cách dưới đây để chăm sóc da bé luôn mềm mại và đủ ẩm nhé!
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Trẻ sơ sinh không nên uống nước cho tới khi đủ 6 tháng tuổi, trước thời gian này thì mẹ chỉ cần cho bé bú đủ lượng sữa bé cần là đủ.
Tránh không khí lạnh
Bố mẹ nên đảm bảo rằng cơ thể bé luôn được giữ ấm và tránh để da của bé hở khi ở trong môi trường không khí lạnh.
Không tắm cho bé quá lâu
Trên làn da của bé luôn có một lớp dầu tự nhiên bảo vệ và duy trì độ ẩm. Tuy nhiên, việc ngâm tắm quá lâu có thể loại bỏ dầu tự nhiên trên da của bé. Nếu như mỗi lần tắm cho bé kéo dài từ 20 đến 30 phút thì bố mẹ nên cắt giảm thời gian tắm cho bé từ 5 đến 10 phút.
Khi tắm cho bé, hãy sử dụng nước ấm thay vì nước nóng, và chỉ dùng các sản phẩm tắm rửa không có hương liệu và xà phòng dành riêng cho bé.
>>>Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà cực đơn giản và dễ thực hiện
Tránh sử dụng các loại hóa chất mạnh
Da của trẻ sơ sinh vô cùng mong manh và nhạy cảm, chính vì thế nên bố mẹ cần tránh để da trẻ tiếp xúc với các loại hóa chất như nước hoa hoặc các sản phẩm có hương liệu để tránh làm làm trẻ sơ sinh bị khô da cũng như bị kích ứng. Bên cạnh đó, hãy giặt quần áo của trẻ bằng loại nước giặt dành riêng cho quần áo của trẻ sơ sinh.
Thoa kem dưỡng ẩm
Bố mẹ nên thoa kem chống kích ứng 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi tắm xong để khóa ẩm và giữ cho làn da được mềm mịn.
Sử dụng máy tạo ẩm
Việc sử dụng máy tạo ẩm trong không gian nhà ở có thể giúp làm giảm triệu chứng của bệnh chàm và khô da.
Trẻ sơ sinh bị khô da là hiện tượng khó tránh khi bé vừa mới sinh ra. Thời gian da trẻ sơ sinh bị khô tùy thuộc vào cơ địa của từng trẻ. Và để làm dịu triệu chứng da khô, mẩn ngứa và bong tróc thì bố mẹ cần giữ ẩm cho làn da của trẻ, nếu tình hình không tiến triển tốt hơn sau vài tuần, thậm chí còn tệ hơn thì bố mẹ cần cho bé đi khám càng sớm càng tốt.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận