Trẻ sơ sinh hay khóc đêm: Phân biệt dấu hiệu bất thường?
Thể chất & Dinh dưỡng - 13/04/2020
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm là một trong những vấn đề khiến nhiều bố mẹ lo lắng, đặc biệt là khi tiếng khóc của trẻ là dấu hiệu cho thấy bệnh lý nguy hiểm, vậy làm sao để bố mẹ có thể phân biệt?
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm có lẽ là mối quan tâm và lo lắng của đa số các bà mẹ trẻ. Đây là triệu chứng thường thấy, nhưng đôi khi lại tiềm ẩn những dấu hiệu bất thường mà không phải ai cũng có thể nhanh chóng nhận ra ngay được.
Vậy làm sao để các mẹ có thể nhận biết được khi nào trẻ sơ sinh khóc đêm là biểu hiện bất thường? Các mẹ hãy nghiên cứu các thông tin trong bài viết dưới đây của ODPHUB để có cái nhìn rõ ràng hơn nhé!
Khi nào trẻ sơ sinh hay khóc đêm là biểu hiện bình thường?
Trong khoảng thời gian từ khi mới sinh đến 8 tuần tuổi, trẻ sơ sinh hay khóc đêm có thể khiến cho bố mẹ rất lo lắng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh quấy khóc đêm trong giai đoạn này là điều rất bình thường.
Trong 8 tuần đầu tiên, vì sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm? Bởi vì trong giai đoạn này, tiếng khóc của trẻ được coi như một dấu hiệu đặc biệt cho thấy sự phát triển của bé sau khi sinh ra và đang trong quá trình làm quen với môi trường ở bên ngoài bụng mẹ.
Tình trạng trẻ hay quấy khóc đêm sẽ giảm dần khi bé đạt 4 tháng tuổi trở đi. Lúc này, bé đã dần thích nghi được với môi trường xung quanh và bố mẹ cũng đã nắm được trong lòng bàn tay những thói quen của bé, thế nên việc chăm sóc cho bé sẽ trở nên suôn sẻ hơn.
Khi nào trẻ sơ sinh hay khóc đêm cho thấy dấu hiệu bất thường?
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm là biểu hiện bất thường về sinh lý khi có đi kèm với các biểu hiện sau đây: trẻ hay giật mình khóc đêm, bé hay hoảng sợ, khóc thét, ngủ ngáy,... Nếu hiện tượng này thường xuyên xảy ra và kéo dài thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Lúc này, bố mẹ có thể hiểu tiếng khóc bé có thể là do bệnh lý gây nên.
Do hệ thần kinh
- Nếu bố mẹ thấy trẻ sơ sinh khóc đêm kèm theo la hét, hoặc bé hay bị giật mình khi đang ngủ thì có thể là do hệ thống thần kinh của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa hoàn thiện. Lúc này khả năng ức chế của bé còn kém, nếu như ban ngày bé hoạt động nhiều hoặc có những hoạt động hơi quá sức khiến não bộ vẫn còn đang ở trong trạng thái hưng phấn, điều này dẫn tới việc bé bị tỉnh giấc giữa đêm và quấy khóc.
- Tuy nhiên, nếu bé thường xuyên bị giật mình trong lúc ngủ thì đây cũng có thể là biểu hiện cho thấy một loạt bất thường về chức năng hay cấu trúc não bộ. Chính vì thế nên bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để khám và chẩn đoán chính xác hơn.
Dị ứng sữa bò
- Nếu trẻ sơ sinh hay khóc đêm và khóc dai dẳng, hơn 3 giờ/ngày, 3 ngày/tuần, kéo dài trên 3 tuần và bé thường khóc vào buổi tối, thì rất có thể là do bé bị dị ứng đạm sữa bò. Bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa khi thấy bé có triệu chứng khóc bất thường buổi đêm để xét nghiệm xem bé có thực sự bị dị ứng không nhé!
Khóc dạ đề
- Khi thấy trẻ hay quấy khóc đêm không rõ nguyên nhân và thường xảy ra ở cùng một thời điểm trong ngày lúc chập tối và kéo dài khoảng 1-2 giờ và sau đó bé tự nín, thì rất có thể bé đang trải qua hội chứng colic (hay còn gọi là khóc dạ đề). Hội chứng Colic có thể kéo dài 3 đến 4 tháng và sau đó sẽ dần tự chấm dứt. Bố mẹ có thể nhận thấy tuy bé bị đau quặn bụng và khóc nhiều nhưng bé vẫn tăng cân và phát triển bình thường.
Còi xương
- Trẻ sơ sinh hay khóc đêm và kéo dài cũng có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị còi xương. Bệnh còi xương thường khiến cho trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và quấy khóc đêm trong thời gian dài. Bệnh còi xương thường đi kèm với một số dấu hiệu như: rụng tóc vành khăn, hay ra mồ hôi trộm, chậm mọc răng.
- Nguyên nhân dẫn đến còi xương rất có thể là do chế độ dinh dưỡng của bé chưa được đảm bảo đầy đủ chất, đặc biệt là canxi, hoặc do bé thường xuyên ở trong môi trường quá kín thiếu ánh sáng dẫn đến thiếu vitamin D. Để tránh còi xương và giải quyết triệt để tình trạng trẻ hay giật mình khóc đêm, bố mẹ cần cho bé tắm nắng thường xuyên, giữ gìn vệ sinh phòng ốc thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên. Và đặc biệt, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên môn để có phác đồ điều trị hiệu quả và chế độ ăn uống phù hợp, đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Trẻ bị lồng ruột
- Nếu bố mẹ thấy trẻ quấy khóc đêm dữ dội kèm theo các triệu chứng như: nôn mửa, khóc thét, ưỡn người, bỏ bú và đi tiểu ra máu thì nguyên nhân rất có thể là trẻ bị lồng ruột. Lúc này, bố mẹ cần nhanh chóng khẩn trương đưa trẻ đi cấp cứu ngay.
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm có ảnh hưởng như thế nào?
Trẻ sơ sinh khóc đêm bất thường, hay giật mình và quấy khóc kéo dài liên tục không chỉ để lại tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến cả mẹ bé nữa.
Ảnh hưởng đến bé
- Bé có thể bị chậm phát triển về trí tuệ, khả năng nhận thức và học tập bị suy giảm.
- Bé bị giảm sút hormone tăng trưởng, chậm tăng cân cũng như phát triển chiều cao.
- Hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của bé bị ức chế, dẫn đến khó dung nạp chất dinh dưỡng, dễ bị ốm.
- Huyết áp tăng cao.
- Tim chịu áp lực lớn, đập nhanh, khiến cho sức khỏe của bé không được đảm bảo.
Ảnh hưởng đến mẹ
- Mẹ có thể bị stress kéo dài, dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh.
- Vì bị stress nên mẹ dễ bị mất sữa.
- Mẹ thường xuyên bị thiếu ngủ do phải thức đêm dỗ dành, lo lắng và chăm sóc con, khiến cho sức khỏe của mẹ không được đảm bảo.
Trẻ sơ sinh hay khóc đêm phải làm sao đây?
Trẻ hay giật mình khóc đêm không chịu ngủ, ngủ chập chờn hoặc không đủ giấc,... sẽ dẫn tới rất nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của bé như tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn, bé chậm phát triển về chiều cao, cân nặng. Do đó, để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh hay khóc đêm thì bố mẹ cần lưu ý 5 điều sau:
- Không nên vội vàng vỗ lưng mỗi khi bé bị giật mình hoặc cho bé bú, mà mẹ nên bình tĩnh quan sát xem bé có tự ngủ tiếp hay không. Mẹ chỉ nên dỗ dành và cho bé bú khi nào bé khóc to và có những cử động mạnh.
- Không nên đắp quá nhiều chăn để tránh khiến bé bị nóng, toát mồ hôi và dễ bị cảm lạnh.
- Không nên để ánh đèn quá sáng khi bé đang ngủ, và tuyệt đối không để bé ngủ trong phòng có tiếng ồn lớn để tránh khiến bé bị giật mình và thức giấc giữa đêm.
- Thường xuyên bổ sung vitamin D và canxi để tránh bé bị còi xương suy dinh dưỡng. Đơn giản nhất đó là bố mẹ bố trí phòng bé nằm luôn thông thoáng và có đầy đủ ánh sáng ban ngày.
- Nếu có thể, mẹ hãy cho bé bú sữa mẹ đến khoảng 18 tới 24 tháng tuổi, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng và đề kháng vô cùng quý giá có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng trẻ sơ sinh hay khóc đêm diễn ra rất phổ biến và có thể chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy bé đang ở trong giai đoạn phát triển bình thường. Chính vì vậy, bố mẹ cần nắm rõ và phân biệt được sự khác biệt giữa hiện tượng khóc đêm bình thường với quấy khóc do bệnh lý ở trẻ.
Nếu bé hay khóc đêm nhưng vẫn phát triển khỏe mạnh thì bố mẹ không cần quá hoảng hốt. Tuy vậy, bố mẹ vẫn cần dành sự chú ý đặc biệt cho trẻ. Nếu nhận thấy trẻ hay quấy khóc đêm bất thường kèm theo các dấu hiệu như đổ mồ hôi trộm, biếng ăn, nôn ói,... thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ nhé!
Để tìm hiểu thêm về việc quấy khóc của bé theo từng giai đoạn, bố mẹ hãy tham khảo thêm bài viết này nhé: Bố mẹ nên làm gì khi bé quấy khóc, và khi nào thì cần gặp bác sĩ?
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận