Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Thể chất & Dinh dưỡng - 27/07/2020
Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh là gì? Bố mẹ nên làm gì để hạn chế tối đa nguy cơ trẻ sơ sinh mắc các bệnh ngoài da?
Vì trẻ sơ sinh có làn da mỏng và nhạy cảm hơn rất nhiều so với người lớn nên con sẽ rất dễ bị mắc các bệnh ngoài ra. Lúc này, bệnh ngoài da không chỉ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc mà còn gây lo lắng, bất an cho bố mẹ. Vậy những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh là gì?
Các bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Hăm tã
Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn 8-10 tháng tuổi, nhất là với những trẻ có làn da nhạy cảm và dễ bị dị ứng. Các biểu hiện của hăm tã bao gồm nóng đỏ và đau rát vùng da quấn tã (bao gồm bụng dưới, mông, đùi…). Vùng da này sau đó sẽ tiết ra dịch vàng rồi đóng vảy. Tình trạng hăm tã nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ có thể lan rộng ra các vùng da xung quanh, đồng thời xuất hiện nhiều vết xước, thậm chí làm tổn thương bộ phận sinh dục của trẻ.
Để hạn chế nguy cơ trẻ sơ sinh bị hăm tã, bố mẹ nên:
- Chọn các loại tã tốt, đảm bảo chất lượng.
- Hạn chế dùng tã cho trẻ sơ sinh vào những ngày thời tiết oi nóng khiến trẻ dễ ra mồ hôi.
- Nếu sử dụng tã trong những ngày nắng nóng, hãy thường xuyên thay tã cho trẻ (4 tiếng/lần).
- Trong quá trình thay tã, vệ sinh vùng mặc ta bằng nước ấm, sau đó thấm nước, lau khô và mặc tã mới cho trẻ.
Chàm sữa
Chàm sữa còn có tên gọi khác là lác sữa, là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 12 tháng tuổi. Những vết chàm thường xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể trẻ như hai bên má, khuỷu tay, khuỷu chân…
Khi bị chàm sữa, phần da của trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mảng ban hồng kèm theo mụn nước li ti, đôi khi có chảy ra dịch vàng. Khi sờ vào vùng da bị chàm của trẻ, bố mẹ sẽ có cảm giác thô ráp. Bệnh chàm sữa có thể khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn, khó ngủ, bú ít đi.
>>> Tham khảo thêm: Chàm sữa ở trẻ: nguyên nhân và cách chăm sóc trẻ phù hợp
Viêm da có mủ
Đây là bệnh ngoài da, xuất hiện khi trẻ bị nhiễm khuẩn tụ cầu và liên cầu. Vì trẻ sơ sinh còn nhỏ, sức đề kháng còn yếu nên nếu da bị xây xát, các vi khuẩn này sẽ rất dễ xâm nhập và phát triển trên da của trẻ. Các vi khuẩn phát triển với tốc độ nhanh chóng, và khi không được điều trị kịp thời sẽ phát triển thành viêm da có mủ.
Thông thường, vi khuẩn thường tập trung nhiều, sinh sôi và gây bệnh ở các nếp gấp da như cổ, nách, bẹn, mông… và cả những vùng da có nhiều bã nhờn, mồ hôi.
Rôm sảy
Bố mẹ nuôi con nhỏ hẳn đã rất quen với căn bệnh này. Đây là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh rất phổ biến, đa số trẻ em đều mắc phải. Rôm sảy thường xuất hiện khi thời tiết nắng nóng, oi bức. Lúc này, cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi hơn và tuyến mồ hôi rất dễ bị tắc, bít nếu cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ.
Khi bị rôm sảy, bề mặt da của trẻ nổi lên những mảng mẩn, sần nhỏ, có màu hồng và có thể lan ra dày đặc khắp cơ thể, đặc biệt là ở những vùng da mồ hôi dễ bị ứ đọng như cổ, mặt, nách, bẹn… Tuy nhiên, bố mẹ không nên quá lo lắng vì rôm sảy không phải là bệnh có ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
>>> Tham khảo thêm: Trẻ bị rôm sảy phải làm sao? - Bí kíp giúp trẻ mau khỏi bệnh
Mụn nhọt
Mụn nhọt là một trong các bệnh về da hay gặp ở trẻ sơ sinh, có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như vi khuẩn, cơ thể trẻ không được vệ sinh sạch sẽ, thời tiết nóng ẩm, chế độ dinh dưỡng không hợp lý… Những nguyên nhân này khiến trẻ bị viêm nang lông, gây xuất hiện các vết sưng đỏ cứng dần theo thời gian gọi là mụn nhọt và làm trẻ đau nhức. Tuy nhiên, các nốt mụn này về sau sẽ nhanh chóng vỡ ra và khô lại.
Mụn sữa
Mụn sữa còn có tên gọi khác là nang kê, là căn bệnh ngoài ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ bị mụn sữa, bố mẹ có thể nhận thấy những nốt mụn nhỏ li ti xuất hiện trên trán, má, cằm và lưng của trẻ ngay khi con ra đời hoặc khi trẻ được vài tuần tuổi. Mụn sữa có thể xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết nóng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tự biến mắt sau một vài tuần mà không cần đến sự can thiệp của các biện pháp chữa trị đặc biệt.
Các cách phòng tránh những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Để hạn chế tối đa nguy cơ trẻ sơ sinh mắc các bệnh ngoài da, bố mẹ có thể áp dụng những cách dưới đây:
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho con đi tiêm phòng đầy đủ và cho con bú đủ sữa mẹ.
- Đối với những trẻ trong giai đoạn ăn dặm, bố mẹ cần chú trọng xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cho trẻ, bổ sung các thực phẩm nhiều chất xơ, axit béo omega-3, trái cây để giúp trẻ có làn da khỏe mạnh hơn.
- Tạo cơ hội cho trẻ khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn, thúc đẩy hệ miễn dịch của trẻ phát triển hoàn thiện hơn. Tuy nhiên bố mẹ cần lưu ý đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trong và sau khi chơi.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ bằng cách thường xuyên thay tã và tắm rửa hằng ngày cho con.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận