Có nên cho trẻ ăn đồ ngọt hay không?
Thể chất & Dinh dưỡng - 17/10/2020
Sự thật mà hẳn ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy là trẻ nhỏ thường rất thích ăn đồ ngọt. Vậy bố mẹ có nên cho trẻ ăn đồ ngọt hay không?
Đồ ngọt là loại thức ăn ưa thích của rất nhiều trẻ nhỏ. Khi ăn đồ ngọt, trẻ luôn vui vẻ và có thể ăn được rất nhiều. Vậy bố mẹ có nên cho trẻ ăn đồ ngọt hay không?
Câu trả lời là không. Đồ ngọt có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Dưới đây là những tác hại lớn nhất nếu bố mẹ cho trẻ ăn đồ ngọt quá nhiều:
Tăng nguy cơ sâu răng
Trong đồ ngọt có chứa rất nhiều đường, là tác nhân thúc đẩy sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn trong miệng trẻ nhỏ. Ngoài ra, trong các loại bánh kẹo và thức uống có gas chứa khá nhiều axit hữu cơ, chất bảo quản và chất phụ gia có tính ăn mòn cao.
Hơn nữa, trẻ nhỏ thường lười đánh răng sau khi ăn. Đây chính là nguyên nhân khiến men răng của trẻ nhanh bị mòn, gây ra các bệnh về răng miệng, dần dần khiến trẻ bị sâu răng và ảnh hưởng tới tủy răng.
Do đó, bố mẹ nên tạo cho trẻ thói quen đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày (vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ), đồng thời thường xuyên xúc miệng sau khi ăn để hạn chế nguy cơ trẻ bị sâu răng.
Gây ra bệnh béo phì
Mặc dù đường là một chất cung cấp năng lượng quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, khi nạp vào cơ thể quá nhiều đường, trẻ sẽ cần vận động nhiều hơn để tạo ra sự cân bằng.
Vì vậy nếu trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt và lười vận động, cơ thể không kịp hấp thu khiến các chất béo dư thừa chuyển hóa thành mô mỡ, từ đó khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì.
Tăng lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu quá cao sẽ tạo ra kích thích lớn tới hệ thần kinh trung ương khiến trẻ trở nên phấn khích hơn. Ngoài ra, lượng đường trong máu tăng cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ, từ đó ảnh hưởng xấu tới sự phát triển trí tuệ của trẻ. Do đó, bố mẹ nên lưu ý không cho trẻ ăn đồ ngọt trước giờ đi ngủ.
Bố mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ ăn sô-cô-la, vì đây là một trong những thực phẩm gây hưng phấn nhất cho hệ thần kinh của trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ dưới 3 tuổi. Có những trẻ sau khi ăn nhiều sô-cô-la thậm chí còn có thể thức trắng đêm.
Giảm sức đề kháng của trẻ
Đường có thể là “thủ phạm” gây giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể, ví dụ như vitamin A, B, C, canxi, magie, sắt… Khi cơ thể không được nạp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, sức đề kháng của trẻ sẽ yếu đi và hệ thống miễn dịch của trẻ cũng hoạt động không hiệu quả, làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh dị ứng và các vấn đề về da.
Làm chậm quá trình phát triển chiều cao
Trong quá trình chuyển hóa và tiêu thụ đường, cơ thể sẽ cần tiêu hao một lượng lớn các chất dinh dưỡng, trong đó có canxi - một chất vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ.
Khi trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, lượng canxi trong cơ thể sẽ được sử dụng để chuyển hóa đường, thay vì phục vụ cho quá trình phát triển chiều cao. Từ đó, cơ thể sẽ không có đủ lượng canxi cần thiết để phát triển xương của trẻ.
Trong nhiều trường hợp, đồ ngọt có thể khiến trẻ cảm thấy sảng khoái và vui vẻ hơn. Tuy nhiên, bố mẹ nên chú ý đến lượng đường trẻ nạp vào cơ thể để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn tới cơ thể và sự phát triển thể chất của con.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích nhất về vấn đề: “Có nên cho trẻ ăn đồ ngọt?”
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận