Bé bị hẹp bao quy đầu: Bố mẹ phải làm sao?
Thể chất & Dinh dưỡng - 22/06/2020
Bé bị hẹp bao quy đầu nếu không được chăm sóc và vệ sinh cẩn thận thì có thể gây viêm nhiễm, nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể phát hiện sớm các biểu hiện và can thiệp kịp thời.
Khi mới sinh ra, đa số trẻ đều ở trong tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, nghĩa là bao quy đầu chưa kéo tuột xuống được do tình trạng dính liền tự nhiên giữa quy đầu và bao quy đầu. Hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý không cản trở việc đi tiểu của trẻ sơ sinh, và thường có thể tự tách ra được. Tuy nhiên nếu đến 1 - 2 tuổi mà quy đầu của bé vẫn chưa tự tách được thì bé bị hẹp bao quy đầu cần can thiệp.
Vậy bé bị hẹp bao quy đầu phải làm sao để nhận biết và điều trị kịp thời? Bố mẹ hãy tìm hiểu thông tin có trong bài viết này nhé!
Hiện tượng bị hẹp bao quy đầu ở trẻ
Khi mới sinh thì trẻ nào cũng hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng sau một thời gian sẽ dần tách ra. Trong 2 - 4 năm đầu, dương vật của bé dần lớn hơn, khiến lớp thượng bì bong ra và tích tụ lại thành lớp chất bợn trắng nằm dưới da quy đầu để giúp bao quy đầu dần tách khỏi quy đầu dương vật. Sau mỗi lần dương vật cương lên do buồn tiểu khi bé đang ngủ, bao quy đầu có thể dần tự tuột xuống được hẳn. Tuy nhiên, có những bé bị hẹp bao quy đầu thì cần can thiệp y tế mới có thể tách được phần da này.
Ước tính có khoảng 90% trẻ tuột được bao quy đầu khi được 3 tuổi.
Hẹp bao quy đầu ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe sinh sản?
Tình trạng hẹp bao quy đầu không gây ra bệnh vô sinh vì tinh dịch vẫn có thể thông qua lọt, thế nhưng bị hẹp thì dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiểu và bao quy đầu. Những người bị hẹp bao quy đầu có nguy cơ bị ung thư dương vật lớn hơn người không bị hẹp hoặc bị hẹp nhưng đã xử lý phẫu thuật.
Hiện nay vẫn có nhiều bố mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra xem bé có bị hẹp bao quy đầu không, cũng như không biết cách để có thể vệ sinh bộ phận sinh dục của con thật sạch sẽ, tránh để viêm nhiễm dẫn tới viêm đường tiết niệu.
Khi bộ phận sinh dục của bé không được vệ sinh sẽ thì các chất cặn trong nước tiểu cùng với dịch nhầy của đường tiết niệu sẽ tích tụ ở nếp da quy đầu, tạo môi trường thuận lợi để các vi khuẩn có hại phát triển nhanh chóng. Việc vệ sinh không sạch sẽ kéo dài sẽ gây viêm đường tiết niệu của bé, ảnh hưởng xấu tới thận. Nếu không được vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ thường xuyên từ khi còn nhỏ thì khi bé lớn lên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quan hệ tình dục, làm giảm chất lượng sức khỏe sinh sản, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ mắc ung thư dương vật.
>>>Tham khảo thêm:
- Chăm sóc trẻ sau khi cắt bao quy đầu an toàn và không đau đớn
- Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà cực đơn giản và dễ thực hiện
Cắt bao quy đầu: Khi nào cần thực hiện và có gây ảnh hưởng gì không?
Khi bé có dấu hiệu bị bí tiểu, hoặc khi đi tiểu bị đau đến phát khóc và bao quy đầu bị căng phồng lên như bong bóng thì rất có thể bé bị hẹp bao quy đầu. Lúc này bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ khám càng sớm càng tốt để có phương pháp điều trị kịp thời và phù hợp.
Cắt bao quy đầu là phẫu thuật cắt bỏ đi phần da che phủ quy đầu của bé. Tuy là một loại phẫu thuật đơn giản nhưng vẫn phải thực hiện ở các cơ sở y tế có uy tín và chuyên môn cao. Cắt bao quy đầu chỉ cần gây tê đối với người lớn, còn với trẻ em thì cần gây mê. Thời gian phẫu thuật kéo dài trung bình từ 20 đến 30 phút, và vết thương sẽ lành sau 10 ngày để có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Bé trai bị hẹp bao quy đầu là hiện tượng phổ biến nên ODPHUB khuyên rằng bố mẹ không nên quá lo lắng.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé thường xuyên và quan sát các dấu hiệu để xem xét xem bé bị hẹp bao quy đầu hay có thể tự tách được bao quy đầu để có thể can thiệp kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho bé.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận