Phát triển ngôn ngữ ở trẻ 3-4 tuổi: Những cột mốc quan trọng
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 21/11/2019
Ở giai đoạn 3-4 tuổi, trẻ có vốn từ vựng khá phong phú, đến mức có thể kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện thật thú vị!
Trẻ 3-4 tuổi sẽ phát triển ngôn ngữ rất nhanh. Trẻ học được cách sử dụng nhiều liên từ (và, nhưng, nếu…), số đếm, biết cách xưng hô với nhiều thành viên trong gia đình (cô, cậu…), và có thể gọi tên được một số cảm xúc (vui, buồn, giận…). Cụ thể hơn, trẻ sẽ phát triển các kỹ năng sau:
Sử dụng câu từ
Ở tuổi này, trẻ sẽ:
- Bắt đầu nói những câu phức tạp hơn, với những từ như “bởi vì”, “cho nên”, “nếu”... Ví dụ: “Con không thích món đó vì vị nó không ngon”.
- Hiểu những quy tắc cơ bản của ngôn ngữ và bắt đầu nói những câu đúng ngữ pháp.
- Biết xưng hô đúng hơn.
Giao tiếp
Trẻ 3-4 tuổi sẽ:
- Kể chuyện có cốt truyện, thường có mở và kết. Tuy nhiên, bố mẹ cũng vẫn cần nhắc hoặc đặt thêm câu hỏi thì trẻ mới kể được. Ví dụ, “Sau đó con mèo làm gì?”, “Bạn gấu gặp ai nhỉ?”...
- Biết giải thích, dự đoán và thể hiện sự đồng cảm. Bố mẹ nên kiên nhẫn vì trẻ đang trong giai đoạn khám phá thế giới nên sẽ hỏi rất nhiều.
- Khi gần 4 tuổi, trẻ sẽ nói về nhiều chủ đề khác nhau và đặt những câu hỏi phức tạp, trừu tượng hơn. Ví dụ: “Nếu trời cứ mưa thì nhà mình phải đóng thuyền để đi đến thăm bà đúng không ạ?”.
Khi lên 4 tuổi, dù nhiều từ trẻ vẫn chưa phát âm chính xác, nhưng người lớn vẫn hiểu phần lớn những điều trẻ nói.
Hiểu ngôn ngữ
Ở giai đoạn này, trẻ sẽ:
- Có thể nhờ bố mẹ giải thích lại hoặc hỏi nghĩa của từng từ cụ thể khi không hiểu những gì bố mẹ đang nói.
- Hiểu những chỉ dẫn phức tạp hơn (có nhiều hơn hai bước), chỉ cần những chỉ dẫn đó liên quan đến những điều quen thuộc với trẻ. Ví dụ: “Con tắt tivi, mặc đồ ngủ rồi lên giường nào”.
- Hiểu gần hết các câu hỏi, nhất là về những sự việc đang diễn ra hoặc những gì trẻ có thể nhìn thấy. Trẻ cũng sẽ hiểu những lời giải thích hơi phức tạp một chút, nhất là nếu trẻ có thể nhìn thấy sự việc. Ví dụ: “Mặt Trời chiếu vào sẽ khiến cho mọi vật nóng lên. Con thấy nước trong chậu ngoài sân có nóng không, là do Mặt Trời đó!”.
- Hiểu và biết cách sử dụng các từ chỉ cảm xúc như vui, buồn, tức giận hay ngạc nhiên.
Thể hiện sự phát triển ngôn ngữ trong những lúc vui chơi
Lúc này, trẻ đã biết “thương lượng” với các bạn khác một cách đơn giản. Ví dụ, trẻ có thể bàn luận xem ai là người được chơi đồ chơi trước.
Khi khoảng 4 tuổi, trẻ thậm chí còn biết giải thích tại sao mình muốn có thứ gì đó (của người khác), ví dụ: “Con lấy bút màu xanh được không? Con muốn tô lá cây”.
Ngoài ra, trẻ trong giai đoạn này cũng biết chơi trò đóng giả. Ví dụ, trẻ có thể giả vờ làm mẹ, bế búp bê và bắt chước giọng nói, từ ngữ của mẹ mình.
Dù sao, mỗi trẻ có thể phát triển với tốc độ khác nhau, nên những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bố mẹ thấy có bất kỳ vấn đề gì trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận