Những vấn đề về ngôn ngữ ở 2-4 tuổi (Phần 2)
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 28/08/2019
Khi bắt đầu tập nói, trẻ sẽ gặp phải khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu bố mẹ có những tác động sớm thì trẻ sẽ vượt qua nhanh chóng.
Bố mẹ tìm hiểu tiếp về những khó khăn mà trẻ có thể gặp phải trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn 2-4 tuổi, để tích cực hỗ trợ con nếu cần nhé.
Nói lắp
Việc nói lắp xảy ra khá thường xuyên ở giai đoạn này, nhưng thường không kéo quá dài. Nguyên nhân chính là do não hoạt động mạnh hơn nhiều so với khả năng nói của trẻ. Đôi khi, trẻ quá phấn khích hoặc quá mệt mỏi, tức giận, thì cũng khó nói được chính xác. Ở độ tuổi này, trẻ có thể ngập ngừng hoặc nói lặp cả một từ.
Để giúp trẻ, trong lúc trò chuyện, bố mẹ nên nói một cách thư thái và chậm rãi. Khi thấy bố mẹ nói chậm, trẻ sẽ tự làm theo. Ngoài ra, hãy luôn cười, kiên nhẫn và nhìn thẳng vào mắt trẻ. Vì nếu bố mẹ vội vàng hoặc khó chịu, trẻ sẽ cảm thấy áp lực phải nói nhanh hơn, nên càng nói lắp nhiều hơn.
Trong trường hợp việc nói lắp khiến trẻ bị căng cơ hàm, nhăn mặt và trẻ bị lặp lại các âm trong từ (thay vì toàn bộ từ), thì bố mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và có trị liệu ngôn ngữ, nếu cần.
Mất điều khiển lời nói
“Mất điều khiển lời nói chủ ý” (CAS) là hội chứng rối loạn hệ thống thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ. Hội chứng này là do não trẻ không thể điều khiển các bộ phận cần thiết trong cơ thể để có thể nói ra. Khi mắc CAS, trẻ có thể:
- Phát âm sai các nguyên âm.
- Có thể phát âm đúng những âm tiết đơn giản nhưng đôi lúc lại phát âm sai.
- Gặp khó khăn trong việc kết hợp miệng, lưỡi, cằm để phát âm.
- Bỏ qua hoặc thay thế những âm tiết khó, phát âm sai nguyên âm và phụ âm khiến mọi người nghe không hiểu.
- Gặp khó khăn với những cụm từ dài.
- Âm vực, chất lượng giọng nói, tốc độ nói và âm lượng của trẻ không tốt.
- Khả năng hiểu ngôn ngữ của trẻ có thể tốt hơn so với khả năng nói.\
Thông thường, dấu hiệu của CAS sẽ rõ hơn khi trẻ 3-4 tuổi. Để hỗ trợ trẻ, bố mẹ nên nói thật chậm, cho trẻ có thời gian để trả lời. Ngoài ra, trẻ cần được trị liệu sớm và bố mẹ nên làm đúng hướng dẫn của các chuyên gia ngôn ngữ.
Khi nào bố mẹ nên đưa trẻ đi khám?
Ngữ điệu hay phương ngữ khác nhau đều không được coi là rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ có những dấu hiệu dưới đây:
- Trẻ 2 tuổi vẫn không cố gắng nói hay bắt chước người khác, không phản ứng khi được gọi tên và không thích nói chuyện.
- Trẻ 3 tuổi chỉ nói được từ đơn, không sử dụng nhiều từ mới và không đặt ra hay đáp lại những câu hỏi đơn giản.
- Trẻ hay dừng lại khi nói, gặp khó khăn để tìm từ, đến mức bỏ cuộc, không nói nữa.
- Trẻ chảy nước dãi khi phát âm sai (cho thấy trẻ có vấn đề về sức khỏe và cần được khám).
- Trẻ có tiền sử bị viêm tai kèm theo những khó khăn về việc phát âm (có thể trẻ nghe kém và cần gặp bác sĩ).
Phần 1: http://odphub.com/giao-tiep-ngon-ngu/nhung-van-de-ve-ngon-ngu-o-tre-2-4-tuoi-phan-1-67.html
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận