Những cách trò chuyện cùng trẻ để khuyến khích trẻ tập nói

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 27/09/2019

Từ 3-18 tháng tuổi, kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ phát triển rất nhanh chóng. Vậy bố mẹ có thể làm gì để khuyến khích và hỗ trợ trẻ tập nói một cách hiệu quả?

Mỗi trẻ phát triển ngôn ngữ theo những tốc độ khác nhau, nhiều trẻ học nói rất nhanh, nhưng nhiều trẻ lại cần nhiều thời gian hơn một chút. Nhưng nhìn chung, trẻ nhỏ bắt đầu học nói qua những việc như 

  • Tạo ra âm thanh ậm ừ, gừ gừ và ê a.
  • Nói những âm thanh cơ bản, ví dụ như “baba”.
  • Bắt chước những từ bố mẹ nói.
  • Từ chối bằng cách lắc đầu.

Khi 12-18 tháng tuổi, phần lớn trẻ sẽ biết nói những từ đầu tiên. Lúc này, gần như chỉ có người trong nhà mới hiểu được trẻ nói gì. Dù chưa nói được rõ, nhưng trẻ vẫn rất thích bi bô và vui vẻ khi trò chuyện với bố mẹ. Trẻ cũng thích chỉ tay vào đồ vật nếu bố mẹ gọi tên những đồ vật đó. Khi lên 2 tuổi, trẻ sẽ nói giỏi hơn, dù vẫn chưa nói được đúng một số âm và dấu nhất định. Bố mẹ hãy khuyến khích trẻ giao tiếp thật nhiều bằng cách lắng nghe và đáp lại trẻ, kể chuyện, hát, đọc thơ cho trẻ hàng ngày. Việc này không chỉ giúp trẻ học hỏi và luyện tập ngôn ngữ, mà còn gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và trẻ.

Cach Khuyen Khich Tre Tap Noi 1
Bố mẹ hãy lắng nghe và đáp lại trẻ, kể chuyện, hát, đọc thơ cho trẻ hàng ngày.

Bố mẹ nên làm gì để khuyến khích con tập nói?

Càng được nghe nhiều, trẻ càng học được nhiều từ ngữ. Dưới đây là một vài cách thú vị để bố mẹ khuyến khích trẻ tập nói: 

  • Trò chuyện với trẻ về những việc bố mẹ làm ở nhà hàng ngày, dù bố mẹ có thể thấy đó chỉ là những việc bình thường và nhàm chán. Ví dụ: “Bố đang hút bụi để con không hít phải bụi bẩn đấy”.
  • Lặp lại những âm thanh của trẻ để khuyến khích trẻ trò chuyện qua lại. Ví dụ, nếu trẻ nói “mama”, bố mẹ cũng có thể đáp là “mama”. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể lặp lại và mở rộng câu để bổ sung vốn từ cho trẻ. Ví dụ, trẻ nói: “Đoàn tàu”, bố mẹ nên trả lời: “Đúng rồi, một đoàn tàu to màu đỏ”.
  • Thể hiện rằng bố mẹ thích nghe trẻ bi bô và trò chuyện bằng cách nhìn vào mắt con và cười thật nhiều khi nói chuyện với con.
  • Phản hồi và nói chuyện về sở thích của trẻ. Ví dụ, khi trẻ chơi đoàn tàu đồ chơi, bố mẹ có thể mô phỏng tiếng còi tàu: “tu tu...”.
  • Đọc truyện và kể chuyện cho trẻ nghe. Bố mẹ có thể tham khảo những cách đọc sách hiệu quả cho trẻ theo từng độ tuổi tại đây.
  • Hát và đọc thơ có vần điệu.
  • Khen ngợi những nỗ lực trò chuyện của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ chỉ vào chú chó và nói đúng là: “Chó”, thì bố mẹ nên khen: “Con giỏi quá, gọi được chó rồi!”

Lúc thay tã/bỉm là khoảng thời gian thích hợp để bố mẹ trò chuyện với trẻ. Khi này, bố mẹ nên nói, hát và nhìn vào mặt trẻ.

Cach Khuyen Khich Tre Tap Noi 2
Lúc thay tã/bỉm là khoảng thời gian thích hợp để bố mẹ trò chuyện với trẻ.

Nếu trẻ gặp vấn đề khi tập nói

Nếu bố mẹ lo lắng vì thấy trẻ có những dấu hiệu bất ổn trong giao tiếp, như không quan tâm đến những gì bố mẹ nói, hay không bi bô nói theo..., thì hãy tới gặp bác sĩ để tham khảo lời khuyên và tìm hướng giải quyết.

Cach Khuyen Khich Tre Tap Noi 3
Khi trẻ có những dấu hiệu bất ổn, bố mẹ hãy tham khảo lời khuyên từ bác sĩ.

Nhiều khi, chậm nói có thể là biểu hiện của những chứng rối loạn phát triển nghiêm trọng hơn. Để biết trẻ có mắc chứng chậm nói hay không, bố mẹ có thể xem thêm thông tin về chứng chậm nói tại đây hoặc tham khảo những dấu hiệu của trẻ chậm nói tại đây.

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận