4 cách đơn giản giúp trẻ hiểu ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp tốt hơn
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 12/02/2020
Giao tiếp không phải chỉ bao gồm lời nói, mà còn cả ngôn ngữ cơ thể nữa. Bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu những cách giúp trẻ hiểu ngôn ngữ cơ thể để con gặp nhiều thuận lợi trong quá trình giao tiếp nhé!
Ngoài lời nói, con người còn thể hiện cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường ít chú ý đến điều này. Do vậy, bố mẹ nên làm theo 4 cách dưới đây để giúp trẻ hiểu ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp hiệu quả hơn:
Hành động nhất quán với những gì bố mẹ đang muốn truyền tải
Bố mẹ hãy cho trẻ thấy rằng từng chuyển động của cơ thể đều có thể truyền tải những cảm xúc khác nhau. Để bắt đầu, bố mẹ nên thể hiện những cử chỉ đơn giản, phổ biến nhất và giải thích ý nghĩa của chúng. Ví dụ, bố mẹ đi đi lại lại, nhịp ngón tay xuống bàn và nói: “Khi một người làm thế này thì có thể là họ đang mất kiên nhẫn hoặc không hài lòng với những gì con đang nói đấy”.
Thường xuyên chỉ cho trẻ thấy những ví dụ cụ thể
Bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu khái niệm ngôn ngữ cơ thể là gì bằng cách thường xuyên chỉ ra những trường hợp cụ thể trong đời thực hoặc trên tivi. Qua đó, trẻ sẽ thấy và hiểu được cách mọi người sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp.
Khi chỉ cho trẻ thấy các ví dụ, bố mẹ hãy nhắc đến những “manh mối” để giúp trẻ nhận ra cảm xúc của người khác thông qua ngôn ngữ cơ thể của họ. Chẳng hạn: “Mặt của bác ấy đỏ lên kìa!” hoặc “Bạn ấy đang nắm chặt tay lại”. Từ đó, trẻ sẽ ghi nhớ những tín hiệu bằng hình ảnh có liên quan đến ngôn ngữ cơ thể.
Cùng trẻ chơi trò chơi về ngôn ngữ cơ thể
Việc thể hiện cảm xúc thông qua cử chỉ là một hoạt động thú vị giúp trẻ hiểu ngôn ngữ cơ thể. Bố mẹ hãy “biến” hoạt động này thành một trò chơi và rủ bạn bè của trẻ hoặc các thành viên trong gia đình cùng tham gia nhé!
Bố mẹ có thể làm thế này:
- Viết tên mỗi cảm xúc lên một mẩu giấy khác nhau (vui, buồn, tức giận, mệt mỏi…).
- Mỗi người chơi sẽ rút một mẩu giấy và dùng cử chỉ, hành động để thể hiện cảm xúc được ghi trên mẩu giấy đó, để những người còn lại đoán xem đó là cảm xúc gì.
Không dạy quá cứng nhắc
Bố mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu rằng, những cử chỉ hay chuyển động của cơ thể không nói lên toàn bộ tâm trạng, cảm xúc của con người. Ví dụ, cô giáo đứng khoanh tay thì có thể là cô đang bực, nhưng cũng có thể là cô đang bị lạnh. Vậy nên, trẻ còn cần chú ý tới giọng điệu và từ ngữ được sử dụng thì mới hiểu chính xác và đầy đủ những gì người khác đang muốn thể hiện.
>>> Tham khảo thêm: 7 việc bố mẹ nên làm để giúp trẻ học cách đọc biểu cảm khuôn mặt
Khi hiểu ngôn ngữ cơ thể của người khác, trẻ sẽ giao tiếp hiệu quả và dễ dàng hơn rất nhiều. ODP hy vọng bố mẹ có thể áp dụng những cách giúp trẻ hiểu ngôn ngữ cơ thể đã được nêu trong bài viết này nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận