Chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện phát triển ở trẻ và những điều bố mẹ cần biết
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 08/02/2020
Chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện phát triển ở trẻ là gì, có những dấu hiệu thế nào, cách điều trị ra sao? Bố mẹ hãy cùng ODP tìm hiểu nhé!
Chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện phát triển ở trẻ có thể khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Khi mắc chứng này, trẻ thường khó ghi nhớ từ vựng hoặc dùng những câu phức tạp. Ví dụ, trẻ 5 tuổi mắc chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện phát triển có thể chỉ nói được những câu ngắn khoảng 3 từ.
Chứng rối loạn ngôn ngữ này thường sẽ không ảnh hưởng tới khả năng nghe, đọc, phát âm của trẻ, trừ phi trẻ còn có những khiếm khuyết khác về ngôn ngữ.
Nguyên nhân của chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện
Cho tới nay, người ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới chứng rối loạn này. Những nguyên nhân có thể là di truyền, tổn thương não, suy dinh dưỡng… Ngoài ra, chứng tự kỷ hoặc bệnh khiếm thính cũng có thể dẫn tới các kiểu rối loạn ngôn ngữ.
Dấu hiệu của chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện
Chứng rối loạn ngôn ngữ này thường chỉ liên quan đến các vấn đề về từ vựng và khả năng ghi nhớ từ ngữ. Ví dụ, trẻ không thể nhớ và nhắc lại những từ mà mình vừa học, vốn từ vựng của trẻ cũng có thể ít hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa.
Ngoài ra, trẻ cũng không thể tự tạo ra những câu dài, thường xuyên bỏ bớt từ khi nói hoặc sắp xếp sai trật tự các từ trong câu. Trẻ hay nói “à”, “ừm”... vì không tìm được cách diễn đạt phù hợp nhất. Trẻ cũng có thể hay lặp lại một vài cụm từ trong câu hỏi mà người lớn hỏi mình để kéo dài khoảng thời gian suy nghĩ, tìm câu trả lời.
Nếu trẻ có những biểu hiện như trên, và còn gặp khó khăn trong việc hiểu những gì người khác nói, thì rất có thể trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và tiếp nhận. Trong trường hợp đó, trẻ cũng có thể khó hiểu được thông tin, sắp xếp suy nghĩ và làm theo chỉ dẫn.
Các cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ của trẻ
Nhiều trẻ có thể chậm phát triển các kỹ năng ngôn ngữ hơn các trẻ khác, nhưng dần dần vẫn bắt kịp tốc độ phát triển bình thường. Tuy nhiên, những trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện có thể không phát triển đầy đủ tất cả các kỹ năng. Bố mẹ nên nắm rõ các cột mốc trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, để kịp thời nhận biết các chứng rối loạn và đưa trẻ tới gặp bác sĩ khi cần thiết nhé!
Bố mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ:
- 15 tháng tuổi: Không nói được từ nào.
- 2 tuổi: Vốn từ vựng không quá 25 từ.
- 3 tuổi: Vẫn chỉ nói được câu ngắn gồm 2 từ.
- 4 tuổi: Thường xuyên lặp lại câu hỏi của người lớn hoặc không thể nói một câu trọn vẹn, đúng ngữ pháp.
Các bác sĩ và chuyên gia sẽ chẩn đoán sau khi thực hiện các bài kiểm tra về rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, về khả năng nghe (để loại trừ nguyên nhân liên quan đến thính giác của trẻ) và các khuyết tật học tập khác của trẻ.
Cách điều trị chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện
Có hai phương pháp chính, là:
Trị liệu ngôn ngữ
Phương pháp này tập trung chủ yếu vào việc kiểm tra và củng cố các kỹ năng tiếp nhận, hiểu và ghi nhớ thông tin, từ đó giúp trẻ phát triển vốn từ vựng. Các chuyên gia có thể lặp từ, dùng hình ảnh, chuẩn bị những loại tài liệu đọc phù hợp và các công cụ khác để hỗ trợ trẻ cải thiện các kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ. Bằng phương pháp này, những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ dần dần sẽ học được cách diễn đạt bằng lời những suy nghĩ của mình.
Tư vấn và hướng dẫn
Những trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ của bản thân thường cảm thấy tự ti và tự mình tách ra khỏi tập thể. Trẻ còn có thể nổi giận và đánh nhau vì không thể tìm được từ ngữ để diễn đạt ý mình khi tranh luận. Việc tư vấn và hướng dẫn chính là để trẻ biết cách kiểm soát, điều chỉnh mình mỗi khi bực bội do những khó khăn trong giao tiếp.
ODP hy vọng qua bài viết này, bố mẹ đã có thêm những thông tin hữu ích về chứng rối loạn ngôn ngữ biểu hiện phát triển ở trẻ nhỏ, cũng như tìm được cách phù hợp để hỗ trợ trẻ rối loạn ngôn ngữ.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận