Dấu hiệu nhận biết và các kiểu rối loạn ngôn ngữ của trẻ em
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 19/08/2019
Rối loạn ngôn ngữ là vấn đề gây nhiều căng thẳng cho các bậc phụ huynh có con nhỏ trong những năm gần đây. Vậy có những kiểu rối loạn ngôn ngữ nào, và có dấu hiệu gì?
Nếu sớm nhận ra được các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, thì phụ huynh có thể sớm can thiệp, nhằm nhanh chóng cải thiện khả năng ngôn ngữ của con mình. Do đó, kiến thức của phụ huynh trong vấn đề này là rất quan trọng.
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể biểu hiện thế nào?
Bố mẹ nên để ý đến những dấu hiệu của chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, bao gồm:
- Ậm ừ quá nhiều vì trẻ không thể nói chuẩn từ ngữ cần sử dụng.
- Vốn từ vựng ít hơn hẳn so với trẻ đồng trang lứa.
- Khả năng xây dựng câu bị hạn chế.
- Giảm khả năng sử dụng từ ngữ và liên kết câu để giải thích hoặc miêu tả.
- Giảm khả năng xây dựng hội thoại.
- Nói những từ vô nghĩa.
- Lặp đi lặp lại câu hỏi khi đang nghĩ đáp án.
- Sử dụng sai thời của câu (dùng thời quá khứ thay vì hiện tại...).
Một số biểu hiện trên có thể là một phần trong quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường. Tuy nhiên, nếu những biểu hiện đó kéo dài và không cải thiện thì có nguy cơ là trẻ bị rối loạn ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và tiếp nhận
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt
Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ và thể hiện bản thân. Các bé hiểu những gì người khác nói, nhưng thường không diễn tả được suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đây không chỉ là khó khăn trong việc phát âm, mà còn ảnh hưởng tới cả ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói của trẻ.
Những trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt sẽ gặp khó khăn trong các việc: Dùng từ chính xác, thể hiện suy nghĩ và ý tưởng, kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ cơ thể, đặt câu hỏi, hát hoặc làm thơ, gọi tên đồ vật...
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Đây là những trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ. Các bé khó nắm bắt ý nghĩa của từ ngữ mà trẻ nghe và đọc được, bao gồm cả những điều mà mọi người nói và những điều trẻ đọc được. Điều này dẫn tới nhiều vấn đề về học tập và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Theo Hội Bác Sĩ Gia Đình Mỹ, trẻ 18 tháng tuổi mà không thể làm theo chỉ dẫn đơn giản, ví dụ như “con hãy nhặt đồ chơi lên”, thì có thể có vấn đề về tiếp nhận.
Trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận sẽ gặp khó khăn trong các việc: Hiểu những lời người khác nói, hiểu ngôn ngữ cơ thể, hiểu những nguyên lý, khái niệm và ý tưởng, hiểu những điều mình đọc được, học từ mới, trả lời các câu hỏi, tuân theo chỉ dẫn, nhận diện đồ vật...
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận