Cấp độ đọc Lexile: Những điều bố mẹ nên biết
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 13/03/2020
Cấp độ đọc Lexile là gì? Nó giúp ích gì cho quá trình học đọc tiếng Anh của trẻ? Cấp độ đọc Lexile được đo lường ra sao? Bố mẹ tham khảo bài viết dưới đây của ODPHUB nhé!
Hệ thống cấp độ đọc Lexile được sử dụng để làm thước đo về khả năng đọc tiếng Anh của trẻ và độ khó của văn bản. Hiện nay, cấp độc đọc Lexile được sử dụng khá phổ biến ở các nước phương Tây để giúp trẻ được tiếp cận với những văn bản đúng với khả năng đọc hiểu tiếng Anh của mình.
Cấp độ đọc Lexile là gì và có lợi ích ra sao?
Cấp độ đọc Lexile (được tạo ra bởi Tổ chức Giáo dục MetaMetrics) là phương pháp được sử dụng để đo lường khả năng đọc tiếng Anh của trẻ. Phương pháp này có hai chức năng: thước đo độ khó của văn bản và thước đo mức độ về khả năng đọc của trẻ.
Nhờ có chỉ số về cấp độ đọc, bố mẹ và giáo viên sẽ có thể cho trẻ tiếp cận với những tài liệu đọc phù hợp với khả năng của con. Tiêu chí để chọn tài liệu phù hợp là dựa vào năng lực đọc của trẻ chứ không phải theo lớp mà trẻ đang học.
Chỉ số cấp độ đọc Lexile của trẻ được đo lường như thế nào?
Để có chỉ số cấp độ đọc Lexile, trẻ sẽ cần hoàn thành các bài kiểm tra đọc khác nhau, mỗi bài kiểm tra tập trung vào những khía cạnh khác nhau của kỹ năng đọc hiểu.
Số điểm Lexile sẽ luôn đi kèm với chữ “L” ở phía sau, ví dụ 770L = 770 Lexile. Điểm Lexile càng cao thì cấp độ về khả năng đọc của trẻ càng cao. Trong đó, số điểm cao nhất là 2000L. Nếu trẻ đạt được số điểm dưới 5L thì sẽ được coi là đang ở trình độ Sơ cấp (BR).
Chỉ số Lexile sẽ giúp bố mẹ nhận định khả năng đọc của trẻ có đang phát triển chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa hay không. Tuy nhiên bố mẹ đừng nên quá lo lắng nếu trẻ không đạt được kết quả như mong muốn và cũng không nên lấy đó làm tiêu chuẩn để so sánh con mình với các bạn khác. Bởi vì chỉ số Lexile còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm động lực, sở thích và kiến thức nền của trẻ.
Hơn nữa, Lexile cũng không phải là bài kiểm tra khả năng học tập và tư duy của trẻ. Nó chỉ đơn giản là một công cụ giúp bố mẹ tìm cho con mình những cuốn sách phù hợp với khả năng đọc của con. Bố mẹ nên sử dụng chỉ số này để so sánh và theo dõi quá trình phát triển kỹ năng đọc của trẻ qua thời gian.
>>> Tham khảo thêm:
- 5 công cụ giúp trẻ đọc tốt mà không phải bố mẹ nào cũng biết!
- 6 cách giúp trẻ đọc hiểu tốt mà bố mẹ nên biết
Cấp độ Lexile của một cuốn sách được đo lường ra sao?
Việc đo lường cấp độ Lexile của một cuốn sách sẽ được tiến hành bởi Tổ chức Giáo dục MetaMetrics. Đơn vị đo chỉ số Lexile của sách cũng giống như với khả năng đọc của trẻ. Sau khi cuốn sách được xem xét và định mức, nó sẽ có chỉ số Lexile của riêng mình, ví dụ 600L. Chỉ số càng cao, cuốn sách càng khó.
Có hai tiêu chí để xác định chỉ số Lexile của một cuốn sách, đó là mật độ xuất hiện của từ và độ phức tạp của câu. Những cuốn sách dưới 10L được coi là dành cho trình độ sơ cấp (BR).
Ứng dụng của cấp độ đọc Lexile
Khi biết chỉ số cấp độ đọc Lexile của trẻ, bố mẹ sẽ có thể dễ dàng hơn khi tìm kiếm những cuốn sách phù hợp với trình độ đọc của trẻ. Ví dụ, trẻ có chỉ số Lexile là 300L, bố mẹ nên chọn những cuốn sách hoặc tạp chí cũng có điểm là 300L.
Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy việc đọc không quá khó khăn, từ đó trở nên tự tin hơn với khả năng đọc của mình. Bố mẹ cũng nên chọn những cuốn sách liên quan đến sở thích của trẻ, giúp trẻ hứng thú hơn với việc đọc. Đây chính là động lực cho trẻ chăm chỉ đọc sách và phát triển các kỹ năng đọc của mình.
Cấp độ đọc Lexile tuy không phải là thước đo khả năng học tập và tư duy của trẻ, nhưng nó góp phần hỗ trợ bố mẹ theo dõi sát sao quá trình phát triển kỹ năng đọc của trẻ. Từ đó, bố mẹ có thể chọn những cuốn sách phù hợp với khả năng của trẻ và có những phương pháp dạy con tập đọc phù hợp nhất.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về cấp độ đọc Lexile.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận