8 “bí kíp” để trò chuyện hiệu quả với trẻ nhỏ

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 12/09/2019

Việc trò chuyện với trẻ nhỏ luôn rất vui và cũng… rất khó. Vì vậy mà nhiều bậc phụ huynh muốn theo học các lớp kỹ năng giao tiếp với trẻ. Tuy nhiên, chỉ cần 8 “bí kíp” dưới đây thì mọi cuộc trò chuyện với trẻ đều dễ dàng hơn nhiều!

Đây là 8 “bí kíp” dành cho các bậc bố mẹ, và cho tất cả mọi người, để có các cuộc trò chuyện thật vui vẻ, hiệu quả, với chính con em mình và mọi em nhỏ khác nhé!

Cúi xuống khi nói chuyện với trẻ 

Thay vì đứng và khiến trẻ phải ngước lên, người lớn nên cúi người hoặc ngồi hẳn xuống để ngang tầm với trẻ khi trò chuyện. Việc này khiến hai bên có thể giao tiếp bằng ánh mắt và bố mẹ sẽ truyền được thông điệp rằng bố mẹ luôn sẵn sàng ở bên con. Ngoài ra, bằng cách cúi xuống ngang tầm thì bố mẹ cũng thu hút sự chú ý tích cực của trẻ.

Tro Chuyen Voi Tre Nho Ra Sao 1
Người lớn nên cúi người hoặc ngồi hẳn xuống để ngang tầm với trẻ khi trò chuyện.

Gọi tên cảm xúc và cảm giác

Ở giai đoạn 2-5 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu được các cảm xúc như sợ hãi, tức giận, thất vọng và nản lòng. Do vậy, bố mẹ nên gọi tên các cảm xúc để con hiểu rõ hơn về những khái niệm đó. Ví dụ như: “Buồn quá, trời mưa mất rồi, mình không ra ngoài chơi được con ạ.”

Sống chậm lại

Ngày nay, bố mẹ dễ bị cuốn theo nhịp sống vội vã của thế giới người lớn mà quên rằng trẻ con sống “chậm” hơn. Nếu nhìn thấy bố mẹ lúc nào cũng bận, trẻ sẽ nghĩ rằng bố mẹ không còn thời gian dành cho mình nữa. Do đó, bố mẹ cũng nên sống chậm hơn một chút, khi làm việc gì mà có con làm cùng thì nên tính dư thời gian ra cho khỏi vội vàng, và hãy thư giãn khi dành thời gian cho con. 

Tro Chuyen Voi Tre Nho Ra Sao 2
Hãy thư giãn khi dành thời gian cho con.

Đưa ra ít sự lựa chọn hơn khi hỏi con

Cho con được lựa chọn là tốt, vì trẻ con thích cảm thấy mình có quyền kiểm soát trong một số tình huống, và cũng là để con biết cách quyết định những việc đơn giản hàng ngày. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên giới hạn số lựa chọn để con khỏi rối và cũng để việc đưa ra quyết định không tốn quá nhiều thời gian. Ví dụ: “Con muốn đi giày màu xanh hay đỏ?”, hoặc “Con muốn mặc áo hay đội mũ trước?”.

Hãy tập trung chú ý đến con

Nếu bố mẹ không hoàn toàn chú ý đến trẻ, trẻ sẽ không cảm nhận được rằng bố mẹ đang thực sự ở bên mình. Thực ra, trẻ không cần bố mẹ chú ý đến mình mọi lúc mọi nơi, nhưng khi đã dành thời gian cho con thì bố mẹ nên hoàn toàn tập trung vào con thôi.

Tro Chuyen Voi Tre Nho Ra Sao 3
Hãy tập trung chú ý đến con.

Dùng âm thanh và cử chỉ để thể hiện rằng mình đang lắng nghe

Trẻ luôn muốn biết rằng bố mẹ đang thực sự lắng nghe khi mình nói. Trẻ nhỏ sẽ theo dõi cách bố mẹ giao tiếp với mình. Do đó, mọi cử chỉ và âm thanh của bố mẹ trong suốt cuộc hội thoại đều có thể là mẫu cho trẻ học cách giao tiếp và cách lắng nghe, ví dụ như gật đầu, cười, nói “ừm”... Những việc này của bố mẹ cũng khiến trẻ cảm thấy mình được tôn trọng.

Hãy làm tấm gương tốt để con học theo

Trẻ học hỏi qua việc quan sát. Do vậy, nếu bố mẹ cư xử và hành động lịch sự, trẻ cũng sẽ học được những đức tính đó và cư xử tốt với mọi người xung quanh, ví dụ như biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi”. 

Tro Chuyen Voi Tre Nho Ra Sao 4
Trẻ sẽ học được những đức tính tốt từ bố mẹ.

Tránh nói quá nhiều 

Trò chuyện nhiều với con là tốt, nhưng bố mẹ cũng không nên nói quá nhiều, vào những lúc không thích hợp. Hãy chỉ giảng giải nhiều vào những thời điểm thực sự cần thiết và khi con thực sự tò mò. 

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận