Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị bắt nạt

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 28/10/2019

Bố mẹ càng sớm phát hiện ra các dấu hiệu cho thấy trẻ bị bắt nạt, thì càng can thiệp được sớm, và tránh cho trẻ phải chịu những ảnh hưởng nặng nề cả về thể chất và tâm lý.

Bị bắt nạt là điều rất đáng sợ đối với trẻ, và những hậu quả của vấn đề này có thể kéo dài đến nhiều năm sau. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng sẵn sàng chia sẻ với người khác, kể cả bố mẹ. Vì vậy, nếu bố mẹ lo lắng rằng con mình đang bị bắt nạt, hãy tham khảo bài viết dưới đây của ODPHUB để có thể chú ý hơn tới những dấu hiệu về thể chất, tâm lý, cách giao tiếp của trẻ nhé.

Bắt nạt là thế nào?

Nếu như bạn bè có bất đồng, thậm chí là cãi nhau, hay nói lời cay nghiệt chỉ một lần, thì đó không gọi là bắt nạt. Bắt nạt là hành vi chơi xấu và cố tình làm tổn thương người khác, hết lần này tới lần khác. Chẳng hạn như:

  • Thường xuyên trêu chọc bạn.
  • Cố tình tảng lờ bạn, cô lập bạn khỏi các trò chơi hoặc hoạt động chung.
  • Nói những lời cay nghiệt, xúc phạm bạn, gọi bạn bằng những biệt danh xấu xí.
  • Bêu riếu, nói xấu bạn.
  • Xô ngã, đánh bạn.
  • Lấy hoặc giật đồ của bạn.

Dau Hieu Cho Thay Tre Bi Bat Nat 2
Bắt nạt là hành vi chơi xấu và cố tình làm tổn thương người khác.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị bắt nạt

Không phải trẻ nào cũng chủ động tâm sự với bố mẹ khi bị bắt nạt. Vì vậy nếu bố mẹ lo lắng rằng con bị bắt nạt thì hãy chú ý tới những dấu hiệu sau đây:

Những dấu hiệu thể chất

  • Trên cơ thể trẻ có những vết bầm tím, vết cắt, trầy xước...
  • Quần áo bị rách.
  • Liên tục mất đồ dùng cá nhân.
  • Biếng ăn hoặc ngủ không ngon giấc, hay gặp ác mộng.
  • Tè dầm.
  • Hay đau đầu hoặc đau bụng.

Dấu hiệu về hành vi

Trẻ hay xin bố mẹ tiền hoặc những thứ khác, do kẻ bắt nạt có thể trấn lột tiền hoặc bắt trẻ phải “nộp” thức ăn, đồ dùng...

Những dấu hiệu có liên quan tới trường học

Trẻ có thể có những biểu hiện sau:

  • Không muốn tới trường.
  • Bám dính lấy giáo viên trong giờ nghỉ giải lao.
  • Cô lập bản thân, ngồi một mình thay vì chơi với các bạn.
  • Gặp khó khăn trong việc đặt câu hỏi hoặc trả lời câu hỏi ở lớp, hoặc trong việc làm bài tập.
  • Không muốn tham gia vào các hoạt động ở trường.

Dau Hieu Cho Thay Tre Bi Bat Nat 1
Khi bị bắt nạt, trẻ có thể không muốn tới trường nữa.

Những thay đổi trong giao tiếp xã hội

Trẻ có thể tránh những hoạt động mà trước đây trẻ vẫn thích. Hoặc trẻ có những biểu hiện sau:

  • Bị cô lập trong giờ ăn trưa hoặc giờ ra chơi.
  • Dần xa cách bạn bè, không trò chuyện sau giờ học.
  • Luôn là người cuối cùng được chọn vào nhóm học hoặc chơi chung ở trường.

Những thay đổi về cảm xúc

Trẻ có thể biểu lộ một số cảm xúc ở mức độ thái quá, như lo âu, bồn chồn, buồn bã, đau khổ, thất vọng, giận dữ..., ngoài ra còn dễ khóc, thu mình lại và không thích trò chuyện. Những dấu hiệu đó sẽ trở nên rõ hơn mỗi khi trẻ chuẩn bị quay lại trường học sau kỳ nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ lễ.

Những biểu hiện trên không nhất thiết là do trẻ đang bị bắt nạt, mà có thể do những vấn đề tâm lý khác, như trầm cảm. Nếu bố mẹ thấy lo lắng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

Cách trẻ thể hiện và phản ứng khi bị bắt nạt còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, và cả tính cách của trẻ. Do đó, bố mẹ cần để ý và xem xét nhiều biểu hiện, chứ không nên vội vã đánh giá chỉ qua một, hai dấu hiệu đơn lẻ nào.

Bố mẹ nên chia sẻ với con như thế nào?

Nếu trẻ đang bị bắt nạt, thì cách tốt nhất để bố mẹ giúp đỡ và bảo vệ con chính là cùng chia sẻ, nói chuyện về vấn đề này.

Dau Hieu Cho Thay Tre Bi Bat Nat 3
Bố mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi han và động viên con nhé!

Để biết thêm về tình trạng của con, bố mẹ có thể đặt những câu hỏi tế nhị như:

  • Hôm nay ở lớp con chơi cùng bạn nào thế? Có bạn nào ở lớp mà con không thích chơi cùng không? Tại sao thế?
  • Hôm nay ở lớp con chơi những trò gì? Con có thấy vui không?
  • Con có mong đến ngày mai để đi học không?

Bố mẹ hãy cố gắng giữ tâm lý thoải mái khi trò chuyện với con về những chuyện xảy ra ở trường học, chứ đừng gặng hỏi dồn dập. Hãy hoàn toàn chú ý đến con, đặt những câu hỏi đơn giản và tập trung lắng nghe con chia sẻ. Bố mẹ cũng có thể hỏi: “Thế sau đó con làm thế nào?” hoặc “Điều gì xảy ra sau đấy hả con?” để trẻ nói thêm nhiều hơn nhé.

>>>Tham khảo thêm: 7 điều bố mẹ nên nói với trẻ khi trẻ bị bắt nạt

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận