Trẻ không nghe lời: Chỉ đơn giản là sự bướng bỉnh của trẻ hay còn hơn thế nữa?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 20/03/2020
Nhiều bố mẹ tỏ ra lo lắng và cáu giận khi thấy trẻ không nghe lời bởi bố mẹ nghĩ nguyên nhân là do trẻ hư, không chịu nghe theo hướng dẫn của người lớn. Nhưng thực sự liệu có phải trẻ bướng bỉnh hay "cố tình phản kháng" thật không?
Con trẻ không phải lúc nào cũng nghe lời bố mẹ răm rắp, đó là điều hoàn toàn bình thường và không đáng phải lo ngại, nhất là khi điều đó chỉ diễn ra một vài lần. Thế nhưng nếu trẻ không nghe lời bố mẹ thường xuyên thì hành vi đó có thể khiến bố mẹ suy nghĩ và lo lắng. Lúc này những câu hỏi như “tại sao trẻ không chịu lắng nghe” hoặc “trẻ không nghe lời phải làm sao" liên tục được bố mẹ đặt ra.
Nhiều phụ huynh nhận định rằng hành vi này của trẻ là do sự lười biếng hoặc do trẻ có thái độ thiếu tôn trọng với người lớn. Nhưng thực chất, trẻ có thể gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, ODPHUB mong rằng bài viết dưới đây sẽ đem lại thông tin hữu ích cho bố mẹ!
Biểu hiện khi trẻ gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn
Khi trẻ gặp rắc rối trong việc làm theo chỉ dẫn, bố mẹ có thể thấy rõ ràng kết quả là trẻ sẽ không hoàn thành bất cứ việc gì được giao. Thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận biết được khi nào trẻ gặp khó khăn. Bởi vì trong nhiều trường hợp, biểu hiện của trẻ có thể không mấy liên quan tới việc làm theo lời bố mẹ bảo. Dưới đây là một vài biểu hiện bố mẹ có thể sẽ bắt gặp:
- Dễ dàng nản chí hoặc khóc khi cố gắng làm một việc gì đó
- Từ chối làm những việc đơn giản
- Đồng ý làm một việc gì đó và sau đó không thực hiện
- Bỏ đi trong lúc đang làm dở bài tập hoặc việc nhà
- Nhìn ra chỗ khác khi bố mẹ đang hướng dẫn
- Làm một nửa công việc và sau đó dừng lại
- Nói rằng mình đã hoàn thành một việc gì đó trong khi thực tế không phải như vậy
Những hành vi như trên có thể không đơn giản chỉ là trẻ lì không nghe lời bố mẹ hay từ chối làm theo chỉ dẫn mà còn cho thấy trẻ gặp vấn đề khác nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bố mẹ cần phải theo dõi sát sao, thậm chí cần phối hợp với giáo viên nếu trẻ có những hành vi tương tự như vậy ở trường.
Nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn
Có những trẻ không nghe lời bố mẹ là do đôi khi trẻ cảm thấy không thích làm một điều gì đó và chọn không tuân theo ý muốn của phụ huynh.
Tuy nhiên đối với một số trẻ khác thì đây không còn là sự lựa chọn nữa mà chúng thật sự gặp khó khăn bởi một vài lý do sau đây:
- Vấn đề về trí nhớ hoặc khả năng lên kế hoạch
Những trẻ gặp vấn đề trong việc sử dụng chức năng điều hành não bộ thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những lời mà người khác vừa nói hoặc theo dõi từng bước liên quan tới các nhiệm vụ lớn/nhỏ mà trẻ được giao. Ví dụ: khi bố mẹ nhắc trẻ làm theo một hướng dẫn diễn ra mỗi ngày “Con hãy chuẩn bị để lên giường đi ngủ nhé!”. Đây là một việc rất đơn giản nhưng không phải trẻ nào cũng sẽ nhận thấy điều này là dễ dàng.
Nhiều trẻ có thể phải trải qua 2 bước khác (đánh răng và rửa mặt) rồi mới vào nhiệm vụ chính (lên giường đi ngủ). Có trẻ sau khi thực hiện 2 bước nhỏ, thì quên mất việc lên giường đi ngủ. Hoặc tệ hơn, có trẻ chỉ làm được 1 trong 2 bước nhỏ, rồi quên toàn bộ các bước sau đó. Trẻ sau khi quên việc chính cần làm thì sẽ quay ra chơi bởi vì trẻ không nhớ mình phải làm gì tiếp theo. Hoặc đôi khi, trẻ sẽ bỏ quên luôn việc vệ sinh cá nhân và đi ngủ luôn.
- Khả năng tập trung kém
Một số trẻ gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn là do không thể tập trung vào nhiệm vụ được giao. Trẻ có thể bị xao nhãng bởi mùi thơm của thức ăn hay tiếng tivi hay thậm chí là đắm chìm trong suy tư. Điều này thực sự gây khó khăn cho trẻ và dẫn tới tình cảnh “trẻ bướng bỉnh không chịu nghe lời” trong mắt bố mẹ.
- Khả năng xử lý thông tin chậm
Nhiều trẻ cần nhiều thời gian hơn để có thể xử lý cùng một lượng thông tin cũng như hoàn thành công việc được giao so với trẻ khác. Thách thức đối với trẻ ở đây có thể là vấn đề về ngôn ngữ tiếp nhận (đọc hiểu chỉ dẫn bằng hình ảnh hoặc nghe hiểu các thông tin hướng dẫn).
Chính vì những nguyên nhân trên, bố mẹ rất dễ hiểu lầm rằng trẻ không nghe lời.
Bố mẹ nên làm gì để giúp đỡ nếu thấy dấu hiệu "trẻ không nghe lời"?
Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên khó khăn cho trẻ khi làm theo chỉ dẫn, và ở mỗi trẻ lại có những biểu hiện khác nhau. Nhưng dù sao đi nữa, bố mẹ vẫn hoàn toàn có cách để giúp trẻ cải thiện tình trạng này, như:
- Yêu cầu trẻ nhìn vào mắt bố mẹ trước khi bố mẹ đưa ra hướng dẫn hoặc chỉ bảo trẻ làm việc gì
- Đưa ra những chỉ dẫn ngắn gọn, đơn giản và dễ nhớ
- Giao tiếp đúng cách để giúp trẻ dễ nghe lời và hợp tác làm theo chỉ dẫn, tuyệt đối không la hét khiến trẻ sợ hãi
- Cùng luyện tập giúp trẻ tăng cường trí nhớ ngắn hạn và biết cách sắp xếp, tổ chức công việc để có thể làm theo trình tự dễ dàng hơn
Việc trẻ làm trái ý bố mẹ nếu diễn ra thường xuyên có thể khiến cho mọi người cảm thấy khó chịu và dễ dàng mất kiên nhẫn, dẫn tới nổi nóng với trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và thường xuyên gặp rắc rối vì trẻ cho rằng mình có vấn đề thì mới liên tục thất bại và không thể hoàn thành bất cứ việc gì dù là việc đơn giản nhất như thế.
Chính vì vậy, trẻ rất cần sự giúp đỡ của bố mẹ, đặc biệt là hỗ trợ về mặt tinh thần. Bố mẹ hãy động viên trẻ và nói cho trẻ biết rằng: “Việc làm theo chỉ dẫn không hề dễ dàng, và đó là điều hoàn toàn bình thường. Quan trọng là đã có bố mẹ ở bên để dẫn dắt cho con!”.
Bên cạnh đó, khen ngợi trẻ đúng cách cũng là điều rất cần thiết. Bởi vì những trẻ hay gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn thường xuyên bị chê trách, điều đó sẽ làm tinh thần của trẻ bị ảnh hưởng. Do đó, lời khen của bố mẹ sẽ trở thành động lực cho trẻ để cảm thấy tự tin và tiếp tục cố gắng hết mình. Cùng lúc đó, bố mẹ hãy giúp đỡ xây dựng lòng tự trọng của trẻ và giúp trẻ nhận ra được các thế mạnh riêng để có thể phát triển bản thân tốt hơn.
Trẻ không nghe lời là tình huống mà không bố mẹ nào mong muốn. Thế nhưng bố mẹ cần chú ý quan sát con thật kỹ để có thể nhanh chóng phát hiện ra những khó khăn mà con đang gặp phải và nhanh chóng tìm giải pháp giúp đỡ con hoàn thiện mình.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận