Trẻ mắc hội chứng rối loạn lo âu xã hội: Bố mẹ nên làm gì để giúp con?

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 11/09/2019

Bố mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ học cách xử lý trước các tình huống đòi hỏi kết nối xã hội, đồng thời cũng nên cân nhắc việc tìm tới sự giúp đỡ của các chuyên gia nếu chứng lo âu ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ.

Nếu bị mắc hội chứng sợ xã hội (cũng có thể gọi là “rối loạn lo âu xã hội”) thì chắc chắn trẻ sẽ cần tới sự hỗ trợ của bố mẹ. Và cũng có rất nhiều cách đơn giản mà hiệu quả để bố mẹ giúp con. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!

Tre Mac Hoi Chung So Xa Hoi 1
Trẻ hẳn sẽ cần tới sự hỗ trợ của bố mẹ khi mắc chứng rối loạn lo âu xã hội.

Những việc bố mẹ có thể làm tại nhà hoặc trong những tình huống xã hội khác

  • Chuẩn bị tâm lý cho trẻ đối với những tình huống hay khiến trẻ lo lắng hoặc sợ hãi. Thử “đóng kịch” tình huống đó ở nhà và luyện tập những cách mà trẻ có thể làm để cảm thấy thoải mái hơn.
  • Động viên con thực hiện “tư duy thám tử". Ví dụ: Nếu con lo rằng các bạn sẽ cười chê khi con trả lời câu hỏi ở lớp, thì bố mẹ hãy bảo con tự đưa ra câu hỏi cho bản thân, như: “Điều gì khiến mình nghĩ rằng các bạn sẽ cười?”.
  • Kể cho con về những lần bố mẹ cảm thấy lo lắng trong các tình huống xã hội, và cách bố mẹ đã đối diện với nỗi sợ hãi của mình. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, việc chia sẻ về cảm xúc của trẻ, về những lo lắng bất an là bình thường, và bố mẹ luôn cố gắng thấu hiểu, giúp đỡ con. 
  • Nhẹ nhàng động viên con tham gia vào những tình huống xã hội và tham gia những hoạt động mới, thay vì lảng tránh.
  • Bố mẹ không nên ép buộc con phải nói chuyện hay làm gì trước mặt người khác, mà chỉ nên nhẹ nhàng động viên con. Và bố mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu con có phản ứng lo lắng hay hoảng sợ ở nơi đông người. Cứ giúp con luyện tập dần dần và đừng mắng phạt chỉ vì con đã “thất bại".
  • Cố gắng tránh nói thay cho con, vì việc này chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
  • Nói với thầy cô, nhà trường về hội chứng hay lo âu của trẻ, và cũng cho họ biết những gì bố mẹ đang làm để giúp trẻ. Bằng cách này, những người lớn khác tiếp xúc với trẻ hàng ngày cũng sẽ có những cách hỗ trợ thích hợp.

Tre Mac Hoi Chung So Xa Hoi 2
Hãy nhẹ nhàng động viên con tham gia vào những tình huống xã hội.

Những điều bố mẹ nên làm khi nói chuyện với con

  • Khi trẻ làm được những việc vốn thường khiến trẻ lo lắng (ví dụ như nói chuyện điện thoại), thì bố mẹ hãy khen ngợi nỗ lực và sự dũng cảm của con. Trước mặt người khác thì bố mẹ hãy khen con nhẹ nhàng thôi, nhưng nếu chỉ có bố mẹ với con thì cứ ca ngợi con thật nhiều. Điều này rất có ích trong việc nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ.
  • Tránh “dán nhãn” con là một đứa trẻ “nhút nhát”. Nếu những người khác nhận xét về hành vi của con ở nơi đông người, bố mẹ có thể nói rằng: “Thực ra, cháu khá cởi mở khi ở bên những người thân thiết".
  • Dù bố mẹ không hài lòng thì cũng đừng chỉ trích con hoặc tỏ ra tiêu cực khi con khó thích nghi với những tình huống xã hội.

Tre Mac Hoi Chung So Xa Hoi 3
Đừng chỉ trích con hoặc tỏ ra tiêu cực khi con khó thích nghi với những tình huống xã hội.

Một phương pháp hiệu quả: Tiếp cận “bậc thang”

Phương pháp tiếp cận “bậc  thang" (hay “thang gấp”, “stepladder”) là kỹ thuật điều chỉnh hành vi nhẹ nhàng, giúp trẻ bắt đầu từ từ, giải quyết những điều rất nhỏ trước khi đối mặt với những vấn đề lớn, khó khăn hơn.

Ví dụ: Nếu trẻ ngại nói trước đông người, thì khi ở nhà, bố mẹ nên cho trẻ luyện tập nói thì thầm, trả lời một số câu hỏi sẵn, và bố mẹ có thể ghi âm lại câu trả lời của trẻ. Sau đó, bố mẹ có thể bật đoạn ghi âm đó cho những người thân thiết nghe, khi có mặt cả con. Dần dần, trẻ sẽ có thể tự trả lời những câu hỏi đó trong các cuộc hội thoại bình thường.

>>>Tham khảo thêm: Tiếp cận bậc thang, phương pháp tuyệt vời giúp trẻ vượt qua rối loạn lo âu

Tre Mac Hoi Chung So Xa Hoi 4
Hãy thử phương pháp tiếp cận “bậc  thang".

Khi nào thì bố mẹ nên hỏi ý kiến chuyên gia?

Bố mẹ là người hiểu con mình nhất. Vì vậy, nếu bố mẹ lo lắng và cảm thấy hội chứng sợ xã hội ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của con, thì có thể tìm tới sự giúp đỡ của các chuyên gia, như thầy cô tư vấn tâm lý ở trường (nếu có), bác sĩ nhi, bác sĩ tâm lý chuyên về hội chứng rối loạn lo âu...

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận