9 bí quyết giúp trẻ tự tin trong cuộc sống mà bố mẹ không nên bỏ qua
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 30/03/2020
Nếu trẻ tự tin thì trẻ sẽ hạnh phúc và dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống, vì vậy bố mẹ hãy giúp trẻ tự tin với 9 bí quyết cực đơn giản nhé!
Một đứa trẻ tự tin khi trưởng thành sẽ hạnh phúc hơn, biết được ưu nhược điểm của bản thân để có thể phát huy thế mạnh và sửa đổi để bản thân ngày càng tiến bộ. Chính vì vậy, bố mẹ cần giúp trẻ tự tin và phát triển lòng tự trọng ngay từ khi trẻ còn nhỏ, để khi lớn lên trẻ có thể nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội tốt để trở nên thành công trong cuộc sống.
Vậy làm thế nào để giúp trẻ tự tin? Bố mẹ tham khảo 9 bí quyết trong bài viết dưới đây của ODPHUB nhé!
Khen ngợi trẻ đúng cách
Trẻ nhỏ lúc nào cũng cần được khích lệ để có thêm động lực phấn đấu, ngay cả khi trẻ tập bò, tập vẽ những nét nguệch ngoạc đầu tiên ra giấy hay lúc tập ném bóng.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ khen ngợi quá thường xuyên cũng có thể đem lại kết quả ngược lại. Khi trẻ quá quen với việc được khen ngợi dù trẻ làm những việc rất đơn giản thì trẻ sẽ cảm thấy lúng túng và không có động lực để phấn đấu hết sức mình nữa. Trẻ nhỏ cũng rất nhạy cảm và có thể nhận ra được khi nào bố mẹ đang cố tình phóng đại hành động của trẻ thông qua lời khen (ví dụ “Ôi sao mà con xếp tháp giỏi thế!”), lúc này trẻ sẽ không còn cảm thấy tin tưởng và dần lờ đi những lời khen của bố mẹ.
Vì vậy, bố mẹ hãy khen ngợi đúng cách để giúp trẻ tự tin. Đừng đưa ra lời khen khi trẻ làm những việc mà trẻ nên làm hoặc có thừa khả năng để làm. Như khi trẻ đánh răng hay chủ động bỏ quần áo bẩn vào giỏ, bố mẹ chỉ cần nói lời “cảm ơn" với trẻ là đã đủ để khiến trẻ cảm thấy vui vẻ rồi.
Bên cạnh lời khen, trẻ cũng sẽ cảm thấy thích thú khi được nghe bố mẹ nhận xét tích cực. Thay vì khen con vẽ rất đẹp (mà chẳng nói rõ rằng bức tranh đẹp ở đâu) thì bố mẹ có thể chỉ ra cách con sử dụng màu rất hài hòa (“Con vẽ bông hoa này màu vàng tươi rất là đẹp” hoặc “Cái lá này màu xanh đậm thêm một chút nữa là đẹp lắm con ạ!”).
Không bao bọc trẻ quá mức
Bố mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp nhất đến với con của mình. Chính vì thế nên tâm lý bảo vệ con khỏi những tổn thương, đau đớn, chán nản hoặc phạm sai lầm bị là điều rất bình thường vì chẳng ai muốn những điều tồi tệ xảy đến với con mình cả. Tuy nhiên, nếu bố mẹ quá can thiệp vào cuộc sống của trẻ lại chẳng hay chút nào. Ví dụ như việc bố mẹ cố gắng giúp trẻ được tham dự vào một bữa tiệc sinh nhật khi trẻ chưa được ai chủ động mời, hay là đi xin điểm hoặc làm bài tập giúp trẻ.
Trẻ cần hiểu rằng thất bại chẳng có gì là xấu, và việc đôi khi trong lòng có những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng hay tức giận cũng là điều bình thường. Điều quan trọng nhất bố mẹ cần dạy cho trẻ chính là học cách vượt qua những khó khăn để đạt được thành công, chứ không phải đi trên con đường do bố mẹ đã trải sẵn hoa hồng.
Theo giáo sư tiến sĩ tâm lý học Kathy Hirsh-Pasek tại Đại Học Temple Philadelphia, điều quan trọng nhất trong việc giúp trẻ tự tin chính là bố mẹ tạo cơ hội cho trẻ được chơi và chấp nhận rủi ro thất bại, đồng thời không can thiệp và chỉ trích khi trẻ làm sai. Thậm chí, tiến sĩ còn khuyến khích bố mẹ “cố tình" phạm sai lầm khi chơi như một cách để cho trẻ thấy rằng, làm sai chẳng có gì là xấu hổ, chỉ cần chúng ta biết cách sửa chữa và hoàn thiện hơn.
Để trẻ tự đưa ra quyết định
Khi trẻ có cơ hội được tự đưa ra quyết định từ khi còn rất nhỏ, trẻ sẽ cảm thấy tự tin về khả năng phán đoán của mình. Trẻ nào cũng thích nắm quyền kiểm soát, thế nhưng cái gì quá cũng không tốt, việc kiểm soát quá mức có thể hơi vượt ngoài sức của trẻ.
Vì vậy, tốt nhất là bố mẹ nên đưa ra vài lựa chọn cụ thể và phù hợp trong khuôn khổ để cho trẻ cân nhắc. Ví dụ: Bố mẹ không nên hỏi chung chung rằng “Trưa nay con muốn ăn gì?”, điều này có thể khiến trẻ băn khoăn và dễ cảm thấy thất vọng nếu không được ăn thứ mình muốn. Thay vào đó, bố mẹ hãy đưa ra câu hỏi cụ thể hơn “Trưa nay con muốn ăn mì xào hay cơm trứng chiên?”.
Việc đưa ra các lựa chọn là một cách giúp trẻ tự tin hơn rất nhiều vì trẻ có thể cảm nhận được quyền tự chủ và được bố mẹ tôn trọng.
Suy nghĩ tích cực
Nếu trẻ dễ nản lòng, hay thất vọng thì bố mẹ hãy cố gắng giúp trẻ tư duy tích cực hơn nhé! Thay vì đưa ra những lời an ủi sáo rỗng (như “con hãy suy nghĩ tích cực lên"), bố mẹ nên động viên trẻ suy nghĩ về một số cách thức cụ thể để cải thiện tình hình và tiến tới thành công.
Nếu trẻ chưa đánh vần được trôi chảy như các bạn, bố mẹ nên giải thích rằng ai cũng có tốc độ phát triển của riêng mình, và dành thêm thời gian giúp con luyện đánh vần tốt hơn. Nếu con chưa được chọn vào đội văn nghệ của lớp và cảm thấy rất thất vọng, thay vì an ủi rằng “Đối với mẹ con là một ngôi sao rồi!” thì hãy nói rằng “Mẹ biết con rất thất vọng. Vì vậy mình sẽ luyện tập chăm chỉ hơn để lần sau cô giáo phải chọn mình con nhé!”.
Khuyến khích và nuôi dưỡng những sở thích đặc biệt của trẻ
Nếu có thể, bố mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ có thể tiếp xúc với đa dạng các loại hoạt động và khuyến khích trẻ tìm ra thứ mà trẻ yêu thích. Những trẻ có niềm đam mê, dù là với nhân vật hoạt hình hay việc nấu ăn, thì đều cảm thấy tự hào về những kiến thức mà mình có và đều dễ dàng trở nên thành công hơn trong cuộc sống.
Những sở thích khác thường cũng có thể hữu ích đối với những trẻ khó hòa nhập khi ở trường và giúp trẻ tự tin hơn. Bố mẹ cũng có thể giúp trẻ tận dụng đam mê lạ thường của mình và tạo ra điểm chung để có thể kết nối với bạn bè. Ví dụ: nếu trẻ thích vẽ hơn thay vì chơi thể thao như những bé trai đồng trang lứa, bố mẹ có thể khích lệ trẻ vẽ về chủ đề thể thao trong cuốn sổ vẽ của mình để mang cho các bạn xem.
Giúp trẻ phát triển khả năng xử lý vấn đề
Khi có cơ hội “đàm phán" để đạt được điều mình muốn, trẻ thường sẽ cảm thấy tự tin. Nghiên cứu cho biết bố mẹ hoàn toàn có thể dạy cho trẻ cách giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Chìa khóa trong việc này chính là bố mẹ phải biết cách gợi ý cho trẻ, thay vì chỉ ra việc trẻ cần làm để đạt được điều đó.
Nếu trẻ chạy tới bên bố mẹ để “mách" rằng anh trai lấy đồ chơi của con, bố mẹ nên hỏi rằng “Con nghĩ thử xem có cách nào lấy lại được không?”. Nếu trẻ nói rằng sẽ giật lại món đồ chơi đó thì bố mẹ đừng lấy làm ngạc nhiên vì đó là tâm lý chung của trẻ nhỏ. Hãy tiếp tục hỏi trẻ rằng “Điều gì sẽ xảy ra nếu con làm như vậy?” và “Có cách nào để con lấy lại được đồ chơi mà không phải giành giật và cãi nhau không nhỉ?”. Chỉ cần nhiều lần luyện tập tư duy logic để giải quyết vấn đề, trẻ hoàn toàn có thể đưa ra được phương án cực kỳ thấu đáo đó là tới nói chuyện với anh trai và đề nghị chia sẻ, cùng chơi món đồ chơi này.
Dạy trẻ giúp đỡ người khác
Khi trẻ nhận thấy rằng hành động của mình tạo ra điều khác biệt và khiến cho người khác cảm thấy vui vẻ (như việc tặng bánh cho hàng xóm hay phát giấy vẽ cho các bạn trong lớp) sẽ khiến trẻ trở nên tự tin hơn rất nhiều.
Việc cho trẻ làm việc nhà cũng rất tốt cho trẻ, trẻ sẽ hiểu được khái niệm “trách nhiệm". Không chỉ vậy, việc để cho trẻ trợ giúp bố mẹ còn có tác dụng tuyệt vời hơn. Trẻ sẽ nhận thấy được mình hữu ích, cũng như được chứng kiến tận mắt công việc của người lớn đòi hỏi trách nhiệm và sự cố gắng như thế nào. Đó không chỉ là phương pháp giúp trẻ tự tin hơn, mà còn là cách dạy cho trẻ cách làm việc chuyên nghiệp, để khi lớn lên trẻ sẽ dễ dàng hoàn thành công việc của mình.
Tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc với người lớn
Trẻ nào cũng thích được chơi với bạn bè cùng lứa tuổi để học được các kỹ năng chia sẻ và chờ tới lượt, nhưng việc cho trẻ tiếp xúc với người lớn cũng không kém phần quan trọng. Việc dành thời gian ở bên cạnh và trò chuyện với những người lớn khác ngoài bố mẹ có thể giúp trẻ mở rộng kiến thức về thế giới và dạy cho trẻ cách suy nghĩ đa chiều. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc trẻ thân thiết với người lớn (như giáo viên, cô dì chú bác, người trông trẻ, hoặc bạn thân thiết của bố mẹ) sẽ giúp trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp cũng như có tinh thần cứng cỏi và mạnh mẽ hơn.
Bàn với trẻ về tương lai
Nếu trẻ có thể hình dung được bản thân sẽ làm việc gì quan trọng hoặc thành công khi trưởng thành thì ngay tại thời điểm hiện tại trẻ sẽ trở nên tự tin hơn rất nhiều.
Vì vậy, bố mẹ hãy trò chuyện với trẻ cách mà bố mẹ và những người mà trẻ biết đã chọn nghề nghiệp như thế nào. Trẻ nhỏ có thể mơ ước được làm ca sĩ hay trở thành phi hành gia, điều đó là rất bình thường, thế nên bố mẹ đừng cố hạ thấp những kỳ vọng của trẻ. Trẻ cũng có khả năng thay đổi quyết đinh của mình nhiều lần, nhưng điều đó cũng không có gì đáng lo ngại. Bởi vì điều quan trọng nhất chúng ta có thể dạy trẻ qua bài học này chính là biết đặt ra mục tiêu cho riêng mình.
Bố mẹ có thể thấy rằng, sự tự tin có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành thái độ sống lạc quan, vui vẻ để từ đó dễ dàng đạt được thành công. Giúp trẻ tự tin trong cuộc sống không phải là con đường dễ dàng, nhưng chỉ cần bố mẹ khéo léo và kiên trì một chút thì hoàn toàn có thể thành công.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận