Con nói dối, bố mẹ nên làm gì đây?
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 28/08/2019
Mỗi mức độ nói dối khác nhau sẽ gây ra những hậu quả khác nhau. Do vậy, việc xử lý hành vi nói dối của trẻ phụ thuộc vào mục đích của lời nói dối và tính nghiêm trọng của vấn đề.
Không ai thích con mình nói dối, nhưng cách xử lý phù hợp của bố mẹ là làm sao để con không bị tổn thương, và không lặp lại hành vi này. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây nhé!
Mức độ 1: Nói dối vô hại để được chú ý
Nhìn chung, bố mẹ nên lờ đi khi trẻ nói dối để được người khác chú ý. Thay vì khắc nghiệt nói rằng: “Con nói dối. Không hề có chuyện đó xảy ra!”, thì bố mẹ nên tiếp cận nhẹ nhàng hơn, để vừa không phải phạt trẻ, vừa không chú ý quá nhiều như trẻ muốn.
Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ nói dối bắt nguồn từ sự tự ti. Ví dụ, trẻ nói: “Hôm nay con ghi được 10 bàn lúc chơi bóng đá. Bạn nào cũng phải nể con!”, và nếu bố mẹ không nghĩ đó là sự thật thì cũng đừng nên hỏi tiếp. Những lời nói dối như vậy không làm hại ai, nhưng cũng không nên làm. Vì vậy, bố mẹ nên lờ đi và nói sang một vấn đề khác thực tế hơn.
Nói dối mức độ 2: Thường xuyên nói dối để được khen
Nếu cách trên không hiệu quả, bố mẹ nên làm rõ quan điểm của mình bằng cách nhắc trẻ nhẹ nhàng. Nếu trẻ kể những câu chuyện hơi… bịa đặt, bố mẹ có thể dịu dàng nói: “Bố/mẹ thấy chuyện này có vẻ hơi quá, con kể lại lần nữa được không, trận bóng đã thực sự diễn ra như thế nào?”. Tức là, bố mẹ chỉ rõ ra hành vi của trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ kể lại câu chuyện (sửa sai).
Nói dối mức độ 3: Nói dối nghiêm trọng hơn
Nếu trẻ lớn hơn bắt đầu nói dối về những nơi trẻ vừa đến hay chuyện làm bài tập về nhà, bố mẹ có thể nghĩ đến việc phạt con. Hình phạt cũng chỉ nên nhẹ nhàng và không kéo dài, để con có cơ hội sửa chữa (Ví dụ như không cho con dùng điện thoại trong vòng 1 giờ hoặc phạt làm việc nhà).
Ngoài ra, tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc mà trong hình phạt của bố mẹ nên có yếu tố liên quan đến điều mà trẻ nói dối. Ví dụ, nếu con nói rằng cả tuần không có bài tập, nhưng hóa ra ngày nào cũng có, thì hình phạt có thể là con phải ngồi làm hết bài tập của cả tuần. Hay nếu con đánh bạn và nói dối về việc đó, thì bố mẹ cần phạt vì cả lý do nói dối và đánh bạn. Chẳng hạn, bố mẹ cần yêu cầu con viết thư xin lỗi người bạn đó.
Tóm lại, bố mẹ hãy kiên trì thay vì quát mắng, để con có cơ hội sửa chữa mỗi khi nói dối. Có như vậy, trẻ mới nhận thức được vấn đề trong hành vi của mình và dần dần chấm dứt nó.
>>>Tham khảo thêm: Đây là 5 lý do trẻ nói dối, nhưng bố mẹ khó nhận thấy
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận