4 bí quyết trong việc sử dụng hệ quả để điều chỉnh hành vi của trẻ
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 26/11/2019
Nếu áp dụng biện pháp dùng hệ quả một cách hợp lý, thì bố mẹ mới có thể điều chỉnh hành vi của trẻ như mong muốn. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu những bí quyết sử dụng hệ quả nhé!
Một trong những điều quan trọng nhất bố mẹ cần nhớ khi sử dụng các hệ quả là: Các hệ quả là hướng vào hành vi của trẻ, chứ không phải nhằm vào bản thân trẻ. Nhờ vậy, trẻ vẫn cảm thấy mình được yêu thương và an toàn, ngay cả khi chẳng may bị bố mẹ phạt.
Nếu trẻ chưa thay đổi hành vi ngay lập tức thì cũng là bình thường. Bố mẹ hãy kiên nhẫn, sau một vài lần áp dụng hệ quả là trẻ sẽ hiểu và cư xử tốt hơn thôi!
Để sử dụng hệ quả hợp lý và có hiệu quả, bố mẹ nên chú ý những bí kíp sau:
Áp dụng những hệ quả rõ ràng và nhất quán
Trẻ sẽ ít có những hành vi khiến bố mẹ phải dùng hệ quả tiêu cực nếu trẻ hiểu rõ những hành động mình nên làm, và thường xuyên được bố mẹ khuyến khích thực hiện những hành động đó. Vì vậy, bố mẹ nên tạo ra một bộ quy tắc gia đình rõ ràng, dễ hiểu nhé!
Bất kỳ khi nào có thể, bố mẹ nên giải thích trước cho trẻ về hệ quả, để trẻ không bị bất ngờ. Đồng thời, bố mẹ cũng cần áp dụng một cách nhất quán, tức là dùng cùng một kiểu hệ quả cho một kiểu hành vi nhất định. Nhờ vậy, trẻ biết rằng chuyện gì sẽ xảy ra đối với từng hành động của mình. Từ đó, trẻ sẽ sẵn sàng lắng nghe bố mẹ hướng dẫn, sẵn sàng chia sẻ ý kiến của mình, cũng như bớt tức tối, giận dữ khi phải chịu phạt.
Bố mẹ hãy cố gắng áp dụng biện pháp này (nhất là khi dùng hình phạt) một cách công bằng với tất cả các con. Bởi nếu cảm thấy mình bị đối xử bất công thì trẻ sẽ rất buồn hoặc tủi thân.
Tránh kéo dài hệ quả
Nếu hệ quả chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thôi thì trẻ sẽ nhanh chóng có cơ hội sửa sai và cư xử phù hợp hơn. Còn hệ quả kéo dài sẽ khiến trẻ cảm thấy chán nản và cáu kỉnh. Lúc này, trẻ càng dễ có hành động tiêu cực và bố mẹ cũng thêm mệt mỏi.
Ví dụ: Vì các con cãi cọ khi xem tivi nên bố mẹ tạm tắt tivi trong 10 phút. Nhờ vậy, các con sẽ có cơ hội tìm cách khác để giải quyết vấn đề (thỏa thuận với nhau chẳng hạn). Còn nếu bố mẹ tắt tivi nguyên ngày, thì trong cả một ngày, trẻ sẽ không có cơ hội học cách xử lý tình huống nữa.
Áp dụng đúng thời điểm
Bố mẹ nên cảnh báo hoặc nhắc nhở trẻ trước khi áp dụng một hình phạt. Ví dụ: “Nếu các con không thể ngừng cãi cọ khi xem tivi, bố sẽ tắt tivi trong 10 phút đó!”. Đây là tín hiệu cho trẻ biết rằng mình có một cơ hội để chỉnh sửa hành vi. Và bố mẹ nên thực hiện đúng những gì mình nói nếu trẻ vẫn không thay đổi, để trẻ thấy rằng bố mẹ đã nói là làm.
Tuy nhiên, nếu gia đình đã thống nhất về những quy tắc riêng, thì bố mẹ có thể áp dụng hình phạt luôn mà không cần báo trước. Các hệ quả cũng có tác dụng cao nhất khi được sử dụng ngay sau khi trẻ vừa “phạm quy".
Nhưng nếu bố mẹ đang vô cùng tức giận thì hãy tránh áp dụng hình phạt ngay. Bởi lúc đó, bố mẹ có thể sẽ phản ứng thái quá, trở nên quá khắt khe hoặc bất công. Nên bố mẹ hãy nói những câu như: “Bố đang rất bực mình, một lát nữa bố bình tĩnh lại thì chúng ta sẽ nói chuyện nhé!”.
Điều chỉnh hệ quả theo khả năng của trẻ
Hãy “để dành" phương pháp này cho tới khi trẻ được ít nhất 3 tuổi, bố mẹ nhé! Bởi vì trẻ dưới 3 tuổi chưa thực sự hiểu được mối liên quan giữa hành động và kết quả của các hành động đó. Vì vậy, trẻ dễ cảm thấy các hệ quả là không công bằng, dẫn đến cảm giác ấm ức, bực bội.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận