5 cách để bố mẹ dạy con thành người tử tế và nhân hậu
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 26/08/2019
Một người tử tế và nhân hậu trước hết là biết tự cảm thấy hạnh phúc, sau là đem lại niềm vui cho mọi người xung quanh. Và bố mẹ hoàn toàn có thể tác động từ khi con còn nhỏ, để giúp con trở thành một người như thế!
Trẻ học được cách sống tử tế khi biết nghĩ đến người khác. Để trẻ phát triển kỹ năng xã hội tuyệt vời này, làm nền tảng cho việc trở thành một người tốt về sau, bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu cách áp dụng 5 phương pháp dưới đây một cách hợp lý nhé:
Tập trung vào cảm xúc của trẻ
Học cách gọi tên cảm xúc là bước đầu tiên để trẻ hiểu về cảm nhận của mình và nguyên nhân tạo ra cảm xúc đó. Bố mẹ có thể dạy trẻ:
- Dùng các từ chỉ cảm xúc (vui vẻ, buồn bã, lo lắng, thất vọng,...) khi kể về những chuyện trong ngày.
- Nói về mối liên quan giữa cơ thể và cảm xúc (“khi con lo lắng thì con thấy đau bụng”).
- Tạo thói quen nói về cảm xúc vào buổi sáng và tối.
Khi trẻ có thể nhận diện, xử lý và điều hòa cảm xúc của mình, thì trẻ cũng học được cách nhận biết cảm xúc của người khác và có sự đồng cảm với bạn bè.
Bản thân mình hãy hòa đồng và giúp đỡ người khác
Trẻ học qua việc quan sát tốt hơn là nghe giảng, nên bố mẹ cần làm gương cho trẻ. Có rất nhiều cách đơn giản để hòa đồng và giúp đỡ người khác, như mời hàng xóm ăn cơm, hay rủ những đứa trẻ khác cùng chơi ở công viên.
Khi trẻ thấy rằng, việc sống hòa đồng tử tế có thể giúp người khác vui hơn và bớt cô độc, thì trẻ sẽ biết để ý đến những người đang cô đơn và giúp đỡ họ.
Khuyến khích các hành động tử tế
Trẻ hay bị nhắc nhở khi mắc lỗi, nhưng khi trẻ làm việc tốt thì không phải lúc nào cũng được khen. Bố mẹ nên để ý những việc tốt mà con đã làm, kể cả ở trường học, ở nhà, trong khu phố…, và khen ngợi con, nói rằng mình rất tự hào về con.
Khi trẻ học cách cảm thông với người khác, trẻ sẽ tự động biết rủ bạn cùng chơi, biết giúp đỡ…, từ đó có thói quen suy nghĩ và hành động tử tế.
Dạy trẻ ngôn ngữ hòa nhập
Việc lại gần, đề nghị chơi cùng một nhóm bạn khác là một kỹ năng xã hội nâng cao mà không phải đứa trẻ nào cũng sớm có được. Vì vậy, bố mẹ hãy dạy con quan sát xung quanh, xem có bạn nào đang đứng một mình không thì rủ bạn ấy chơi cùng bằng những lời thân thiện như: “Cậu thích chơi đá bóng không? Cùng chơi nhé?”, hay “Ngồi cùng bàn với bọn tớ mà ăn này!”...
Khi bố mẹ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ hòa nhập với trẻ ở nhà (ví dụ: “Con muốn đi dạo cùng mẹ không?”), thì trẻ sẽ học cách đối xử tương tự với bạn bè.
Tránh vội vàng phán xét
Bắt nạt là một hành vi hung hăng, cố ý gây hại đến người khác. Tuy nhiên, mặc dù một số hành vi trêu chọc và gây hấn (đẩy ngã, giật tóc...) của đứa trẻ nào đó có thể gần giống với bắt nạt, nhưng thực chất, đó cũng có thể chỉ do kỹ năng xã hội hoặc kiểm soát cảm xúc kém. Lúc này, nếu bố mẹ nhanh chóng nhận định rằng những trẻ đó là “đồ bắt nạt” hay “xấu tính”, thì chính con cái của họ sẽ học cách phán xét và tẩy chay. Bởi vậy, bố mẹ cần giữ bình tĩnh và giúp trẻ phân tích những tình huống đó bằng sự đồng cảm. Từ đó, trẻ sẽ học được cách cảm thông và không đánh giá người khác chỉ qua một hành vi.
Nếu chẳng may trẻ bị bắt nạt, hoặc gặp phải một số hành vi trêu chọc thái quá từ bạn bè, bố mẹ hãy tham khảo bài viết sau đây để giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn, cũng như bớt được suy nghĩ tiêu cực: 7 điều bố mẹ nên nói với trẻ khi trẻ bị bắt nạt
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận