Trẻ nói ngọng: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 27/02/2020

Khi thấy trẻ nói ngọng, hẳn nhiều bố mẹ sẽ rất lo lắng. Vậy nguyên nhân trẻ nói ngọng là gì? Bố mẹ làm gì để chữa nói ngọng cho trẻ?

Nói ngọng là một hiện tượng rối loạn ngôn ngữ, xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và những việc bố mẹ nên làm khi trẻ nói ngọng để giúp con khắc phục nhé! 

Nguyên nhân trẻ nói ngọng là gì?

Các bộ phận cần thiết cho việc nói của trẻ nhỏ như lưỡi, hàm, môi, răng… chưa phát triển toàn diện, vì vậy khi ở giai đoạn tập nói, hầu hết trẻ sẽ bị nói ngọng, phát âm không rõ ràng, thậm chí phát âm sai. Bố mẹ đừng nên quá lo lắng vì những biểu hiện này sẽ dần mất đi theo thời gian, khi trẻ lớn lên và những cơ quan này được hoàn thiện. Tuy nhiên, có một vài nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng trẻ nói ngọng lâu ngày không hết: 

Do bẩm sinh

Khi gặp phải những vấn đề như ngắn lưỡi, đầu lưỡi, tổn thương miệng hoặc những bệnh lý bẩm sinh khác như tật chẻ vòm, sứt môi hở hàm ếch, thì khả năng rất cao là trẻ sẽ nói ngọng. Ngoài ra, đôi khi tật nói ngọng cũng có thể do vấn đề về cấu tạo thính giác của trẻ khiến con nghe kém, không nghe rõ, thậm chí không nghe được. Từ đó, vốn từ vựng của trẻ phát triển kém, con không đủ vốn từ để sử dụng trong giao tiếp hoặc sử dụng nhưng không đúng cách (do nghe sai), khiến trẻ bị nói ngọng.

bố trò chuyện với trẻ nói ngọng
Thính giác của trẻ kém có thể là nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng.

Ngậm núm vú giả quá thường xuyên

Một nguyên nhân khác khiến trẻ nói ngọng là ngậm núm vú giả quá nhiều. Nhiều bố mẹ có thể sẽ cảm thấy vô lý, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ ngậm ti giả quá thường xuyên và liên tục sẽ dẫn đến tình trạng lưỡi thè ra ngoài. Từ đó, theo thói quen, trẻ sẽ đưa lưỡi ra ngoài khi phát âm, khiến cho âm thanh phát ra bị chệch đi. 

Nguyên nhân khác

Nếu sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử như tivi, điện thoại…, trẻ sẽ mất đi cơ hội giao tiếp và tương tác qua lại với người khác, vì khi sử dụng những thiết bị này, trẻ thường chỉ nhìn - nói chứ không nghe - nói. Việc này khiến thính giác của trẻ không được kích thích phát triển, gây rối loạn phát âm và hay cáu bẳn.

Ngoài ra, thói quen sử dụng ngôn ngữ của người lớn cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình học hỏi và sử dụng ngôn từ của trẻ. Nếu những người mà trẻ thường xuyên tiếp xúc như bố, mẹ, ông, bà… phát âm không chuẩn hay nói ngọng, thì trẻ cũng dễ bắt chước nói sai theo. 

>>> Đọc thêm: Thiết bị điện tử có thể khiến trẻ bị chậm nói

Trẻ bị nói ngọng phải làm sao?

Trẻ từ 2-4 tuổi nói ngọng là điều xảy ra bình thường, nên bố mẹ không nên lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng nói ngọng vẫn diễn ra tới khi con hơn 4 tuổi thì bố mẹ nên tìm những cách chữa nói ngọng cho trẻ để khắc phục tình trạng này của con. 

Thông thường, ngôn ngữ trị liệu là phương pháp điều trị giúp cải thiện rõ rệt tình trạng nói ngọng ở trẻ. Tùy vào tình trạng của trẻ mà bác sĩ sẽ cho những bài tập trị liệu ngôn ngữ chuyên sâu và phù hợp để thay đổi cách cấu âm, vận động cơ lưỡi của trẻ, giúp con nói rõ và chính xác hơn. 

Đối với những trường hợp nói ngọng do bẩm sinh, thì bố mẹ nên tìm các biện pháp can thiệp sớm để giúp trẻ cải thiện kỹ năng nói. 

mẹ ngồi bên bàn học trò chuyện với con trai
Trẻ từ 2-4 tuổi nói ngọng là bình thường.

Nhiều bố mẹ thường đặt ra câu hỏi: “Trẻ nói ngọng nên làm gì tại nhà?”. Tình trạng nói ngọng của trẻ có thể được cải thiện nếu bố mẹ kiên trì hỗ trợ tích cực cho con. Khi ở nhà, bố mẹ cần lưu ý những điều sau trong quá trình giúp chữa nói ngọng cho trẻ: 

  • Không gây căng thẳng, áp lực, chê bai trẻ để giữ cho con có một tinh thần thoải mái, tránh những cảm xúc như chán nản, mất tự tin, ngại giao tiếp, thậm chí dễ nổi nóng, gây hấn. 
  • Từ từ hướng dẫn cho trẻ cách đặt lưỡi, lấy hơi để phát âm từ những từ đơn giản nhất. Bố mẹ nên nói mẫu ở tốc độ vừa phải cho trẻ để con dễ dàng bắt chước và học theo.
  • Chú ý tới cách phát âm của bản thân và cả những thành viên khác trong gia đình, hạn chế cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với những người nói ngọng.
  • Tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với nhiều người ví dụ như tham gia các hoạt động vui chơi tập thể để giúp con cải thiện và phát triển các kỹ năng giao tiếp. 
  • Thường xuyên hát, kể chuyện và đọc sách cho trẻ nghe để con được tiếp xúc và làm quen với nhiều từ mới. Khi trò chuyện hay hát cho trẻ nghe, bố mẹ nên lưu ý dùng từ và phát âm thật chuẩn.
  • Không nên nhại lại câu nói ngọng của trẻ, vì như vậy trẻ sẽ không ý thức được việc mình vừa phát âm sai, từ đó khiến cho tình trạng nói ngọng trở nên nghiêm trọng hơn. 

trẻ nói ngọng
Có nhiều cách bố mẹ có thể áp dụng tại nhà để hỗ trợ trẻ.

Trẻ nói ngọng là vấn đề khá phổ biến mà nhiều trẻ gặp phải trong giai đoạn tập nói. Nếu nguyên nhân khiến trẻ bị nói ngọng là do các yếu tố môi trường, thì bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con cải thiện tình trạng ngay tại nhà. Tuy nhiên, nếu các phương pháp hỗ trợ không đem lại hiệu quả và tình trạng nói ngọng ở trẻ kéo dài thì bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa về tâm thần để chẩn đoán và có liệu pháp điều trị phù hợp và kịp thời. 

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận