Hai kiểu vui chơi phù hợp với tính cách của trẻ
Trí não & Nhận thức - 01/10/2019
Vui chơi điều rất cần thiết để giúp trẻ học hỏi, phát triển nhiều kỹ năng, cũng như biết cách tương tác với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, do mỗi trẻ có tính cách khác nhau, nên hoạt động vui chơi cũng cần phù hợp với tính cách của trẻ.
Trẻ học hỏi và phát triển thông qua việc vui chơi. Trong lúc vui chơi, trẻ sẽ được vận động, đồng thời có nhiều cơ hội để khám phá thế giới xung quanh. Không những vậy, các hoạt động vui chơi còn giúp trẻ tự tin hơn, hạnh phúc hơn, cũng như phát triển được các kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ và xã hội.
Có hai cách thức vui chơi chính, phù hợp với những nhóm trẻ có tính cách khác nhau: đó là chơi tự do và chơi có kiểm soát.
Chơi tự do
Với những trẻ năng động, độc lập, ưa sáng tạo và khám phá thì bố mẹ nên để trẻ chơi tự do. Đây là kiểu chơi rất tự nhiên, tùy thuộc vào sở thích, hứng thú nhất thời của trẻ, nên bố mẹ cũng không cần có kế hoạch từ trước, mà cứ để trẻ tự tưởng tượng và làm những điều mình thích.
Một số gợi ý về các trò chơi tự do:
- Những trò chơi sáng tạo liên quan đến âm nhạc, mỹ thuật - trẻ có thể chơi một mình hoặc chơi cùng bạn bè.
- Những trò chơi tưởng tượng. Ví dụ, xây nhà bằng thùng các-tông, hay sách báo…, trò đóng giả hoặc nhập vai, thay đồ cho nhân vật...
- Để trẻ khám phá những chỗ chơi mới hoặc chỗ mà trẻ yêu thích, như tủ quần áo, sân nhà hoặc sân chơi...
Trong lúc trẻ chơi, bố mẹ không nhất thiết phải tham gia cùng. Đôi lúc, điều bố mẹ nên làm chỉ là đưa ra các gợi ý khi trẻ cần. Tất nhiên, cũng có lúc bố mẹ cần chủ động rủ con chơi để trẻ hào hứng hơn.
Chơi có kiểm soát
Với những trẻ hơi nhút nhát và có phần thụ động thì kiểu vui chơi có kiểm soát là cách phù hợp hơn để bắt đầu. Bố mẹ sẽ là người sắp xếp thời gian và địa điểm chơi cố định cho trẻ. Việc vui chơi sẽ do bố mẹ dẫn dắt.
Một số hoạt động bố mẹ có thể tham khảo:
- Lớp học làm quen với nước cho trẻ nhỏ hoặc lớp học bơi cho trẻ lớn hơn.
- Các chương trình đọc sách, kể chuyện ở thư viện.
- Các lớp nhảy, múa, ca hát hay đóng kịch.
- Chơi bài hoặc các trò chơi trên giấy (cả nhà cùng chơi).
- Các hoạt động thể thao như đá bóng, bóng rổ, bóng ném cho trẻ lớn.
Dù trẻ có phù hợp với cách chơi nào thì bố mẹ cũng nên chủ động tạo môi trường cho trẻ vui chơi, và có thể cho trẻ làm quen dần với cả những hoạt động hơi ngược với tính cách thường ngày của trẻ. Bằng cách đó, trẻ sẽ học hỏi và phát huy được tối đa tiềm năng của mình.
Nguồn tham khảo: https://raisingchildren.net.au
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận