Trẻ tự kỷ và những thế mạnh đặc biệt
Trí não & Nhận thức - 23/12/2019
Mặc dù có nhiều điểm yếu so với các bạn đồng trang lứa, nhưng trẻ tự kỷ lại có những thế mạnh riêng. Nếu được tạo điều kiện phát huy thì trẻ cũng có thể sẽ đạt được nhiều thành công trong học tập, nghiên cứu.
Trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, trẻ lại cũng thường có những khả năng nổi trội, đặc biệt là trong học tập và nghiên cứu. Nếu được thấu hiểu và tạo điều kiện phù hợp để phát triển những thế mạnh đó, trẻ có thể hòa nhập tốt hơn và đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực.
Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu những điểm mạnh mà trẻ tự kỷ thường có nhé:
Khả năng tư duy, học tập
Khi làm các bài kiểm tra IQ - một trong những cách để đánh giá khả năng học tập và suy luận của trẻ, thì trẻ tự kỷ thể hiện nhiều ưu thế. Trẻ thường làm tốt ở các phần cần học thuộc, cần trí nhớ ngắn hạn hay các kỹ năng thị giác - không gian (như thiết kế các hình khối). Tuy nhiên, trẻ tỏ ra yếu hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ để giải quyết vấn đề.
Cũng có một số trẻ tự kỷ có khả năng ngôn ngữ và tư duy bằng lời tốt hơn, nhưng lại thể hiện kém hơn trong những hoạt động không dùng lời, như ghép hình hoặc thiết kế hình khối.
Khả năng học trực quan
Đây có thể được coi là thế mạnh của trẻ tự kỷ. Trẻ có thể làm rất tốt các nhiệm vụ tìm kiếm trực quan như tìm một hình tam giác trong một bức tranh phức tạp, hay tìm một chữ S màu đỏ giữa rất nhiều chữ X màu đỏ.
Điều này có thể là do trẻ tự kỷ thường chỉ tập trung vào các chi tiết thay vì tổng thể. Ngoài ra, trẻ tự kỷ cũng thường học tốt theo kiểu trực quan, có lẽ vì các thông tin bằng hình ảnh thì cụ thể hơn và tồn tại lâu hơn là các thông tin được nói, được nghe. Mà trẻ tự kỷ thì vốn đã cần nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin, so với những trẻ bình thường.
Để giúp trẻ phát huy những kỹ năng trực quan và dùng chúng để hỗ trợ những mặt khác của cuộc sống, bố mẹ nên:
- Để các lời nhắc dưới dạng hình ảnh xung quanh nhà. Nếu trẻ biết đọc, bố mẹ có thể viết thêm một vài dòng, nhưng đừng nhiều quá.
- Chụp ảnh các hoạt động khác nhau mà trẻ có thể làm và dán những bức ảnh đó vào bảng “Hoạt động hằng ngày” để trẻ nhớ.
- Chụp ảnh từng bước của một số hoạt động thường ngày, như chuẩn bị ba-lô đi học hay đánh răng. Dán ảnh những bước này theo đúng thứ tự lên tường, gần chỗ trẻ hay thực hiện từng hoạt động.
- Lên kế hoạch cho một hoạt động hoặc các hoạt động trong một ngày bằng hình ảnh để trẻ dễ hiểu, dễ nhớ.
Khả năng suy nghĩ theo nguyên tắc
Trẻ tự kỷ thường hiểu và tuân thủ tốt các nguyên tắc. Bố mẹ có thể dựa vào điểm mạnh này của trẻ để giúp trẻ phát triển các kỹ năng khác.
Bố mẹ nên bắt đầu bằng việc đưa ra các nguyên tắc rõ ràng, rằng trẻ nên làm gì và vào lúc nào. Nhờ đó, trẻ có thể hiểu được những nguyên tắc ngầm trong tương tác xã hội và các hoạt động hằng ngày, nên dễ làm theo hơn. Ví dụ, bố mẹ nên nói rõ: Khi có khách đến nhà, con cần nói lời chào; khi đến giờ đi ngủ, con phải đánh răng.
Bố mẹ lưu ý là những câu khẳng định, như: “Con hãy làm việc này…” sẽ có hiệu quả hơn câu phủ định, như “Con không được…”. Bố mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia để biết là mình nên đặt những nguyên tắc nào cho con.
Tốt nhất là bố mẹ thể hiện những nguyên tắc trên bằng hình ảnh. Bố mẹ có thể làm một quyển “Sổ nguyên tắc” gồm nhiều hình ảnh, rồi đọc cho trẻ nghe và để trẻ xem bất kỳ khi nào trẻ muốn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dùng các nguyên tắc kiểu “nếu... thì...” để giúp trẻ hiểu được mọi điều xung quanh, chẳng hạn như cảm xúc của người khác. Ví dụ, “Nếu bạn con đang cười, thì có thể bạn đang vui và con có thể tiếp tục chơi với bạn đấy!”. Bố mẹ cũng có thể áp dụng cách nói này để đưa ra yêu cầu cho trẻ. Ví dụ: “Nếu con đi giày xong thì mẹ sẽ cho con ra ngoài chơi nhé!”.
Xem thêm: Bệnh tự kỷ ở trẻ em: Những nguyên nhân bố mẹ cần biết
Khả năng học thuộc của trẻ tự kỷ
Khả năng học thuộc của trẻ tự kỷ thường rất tốt. Nhiều trẻ tự kỷ có thể nhớ được lượng thông tin rất lớn, như các cuộc hội thoại trong phim, lời ca khúc hay biển số xe. Vì vậy, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ dùng kỹ năng học thuộc của mình để ghi nhớ những thông tin hữu ích, như số điện thoại, địa chỉ nhà, bảng chữ cái, thời khóa biểu...
Khả năng tập trung vào những chủ đề mà trẻ tự kỷ đặc biệt hứng thú
Trẻ tự kỷ có thể rất tập trung và học hỏi được nhiều điều về những chủ đề mà trẻ quan tâm. Dựa vào khả năng này, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng học tập, giao tiếp xã hội bằng một số cách như:
- Quan tâm tới sở thích của trẻ bằng cách chơi cùng trẻ. Trẻ có thể phát triển các kỹ năng vui chơi cùng người khác nếu bố mẹ trò chuyện về việc mà mình đang làm cùng trẻ, hoặc trao đổi đồ chơi, chờ đợi đến lượt khi chơi với trẻ.
- Tận dụng sở thích của trẻ để giúp trẻ phát triển các kỹ năng liên quan đến số học. Ví dụ, bố mẹ có thể nói về màu sắc, số lượng và kích thước của những món đồ chơi mà trẻ yêu thích.
- Đưa những sở thích của trẻ vào những hoạt động mà trẻ thường gặp khó khăn. Ví dụ, nếu trẻ không thích tắm, bố mẹ có thể cho trẻ mang theo vài món đồ chơi yêu thích khi đi tắm, hoặc dán hình liên quan đến những chủ đề trẻ thích quanh phòng tắm.
- Giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp bằng cách trò chuyện về những sở thích của trẻ. Điều này cũng khiến trẻ có động lực để giao tiếp với bố mẹ nhiều hơn. Ban đầu, trẻ có thể sẽ nói một mình rất lâu thay vì trò chuyện qua lại. Dần dần, bố mẹ hãy đặt ra những câu hỏi và bảo trẻ hỏi bố mẹ về những gì trẻ muốn.
Bố mẹ thấy đấy, trẻ tự kỷ cũng có rất nhiều thế mạnh. Chỉ cần bố mẹ luôn ở bên, kiên nhẫn giúp trẻ phát huy chúng, thì trẻ sẽ có thể đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận