6 cách nuôi dưỡng trí tò mò của trẻ 1-3 tuổi

Trí não & Nhận thức - 06/11/2019

Tò mò được coi là bản tính tự nhiên của trẻ nhỏ, mà nếu được phát huy, thì nó sẽ giúp trẻ trở thành những người yêu thích sáng tạo, phát minh sau này.

Mọi vật, mọi chuyện trong cuộc sống đều có thể là mới mẻ và thú vị đối với trẻ. Chính vì thế, nếu bố mẹ có cách khuyến khích trí tò mò vốn có của trẻ, thì trẻ sẽ thích học hỏi và khám phá thế giới xung quanh hơn. Dưới đây chính là những cách để bố mẹ làm được điều đó:

Biến công việc hằng ngày thành các chuyến phiêu lưu

Bố mẹ có thể đáp ứng sở thích phiêu lưu của trẻ bằng cách biến mỗi việc làm trong ngày thành một hành trình khám phá. Ví dụ, bố mẹ có thể cho trẻ đi “tham quan” chợ gần nhà. Để trẻ thêm hào hứng, bố mẹ cứ để trẻ được tự chuẩn bị quần áo, giày dép, thậm chí là có thể mang theo một món đồ chơi. Với “chuyến phiêu lưu” này, trẻ sẽ có cơ hội học thêm về các loại rau củ, thực phẩm… Ngay cả ở nhà, bố mẹ cũng có thể đố trẻ soạn riêng quần áo sáng màu và tối màu, hoặc đồ mỏng và đồ dày trước khi cho vào máy giặt. Nói chung, với một chút sáng tạo, bố mẹ có thể biến mọi trải nghiệm thành những cơ hội học hỏi, khám phá hay ho cho trẻ!

Kich Thich To Mo 1
Những chuyến đi siêu thị hay đi chợ sẽ kích thích sự tò mò của trẻ về các loại rau củ hay đồ vật.

Sống chậm lại

Nhịp sống vội vã khiến trẻ thường phải “làm gì cũng nhanh” theo bố mẹ. Tuy nhiên, điều này về lâu dài sẽ khiến trẻ chẳng còn để ý đến những điều xung quanh mình nữa. Vì vậy, mỗi khi có thể, bố mẹ nên sống chậm lại một chút và học cách “chờ đợi” mỗi khi trẻ tò mò hoặc tìm hiểu điều gì đó. Chẳng hạn, khi cùng trẻ đi dạo, bố mẹ hãy để trẻ có thể dừng bước và ngắm bông hoa, nhìn con sâu… Đồng thời, bố mẹ hãy trò chuyện, đặt câu hỏi và giải thích về những điều mà trẻ có hứng thú, nhất là trong thế giới tự nhiên.

Để ý đến những sự thay đổi

Trẻ nhỏ 1-3 tuổi rất thích những sự biến đổi, nên bố mẹ hãy cùng trẻ chú ý đến những sự vật luôn đổi thay xung quanh mình nhé! Ví dụ, bố mẹ rủ trẻ ngắm trăng và để ý xem Mặt Trăng thay đổi thế nào trong vòng một tuần…

Bố mẹ cũng có thể tự tạo nên những sự biến đổi để trẻ quan sát và tìm hiểu, ví dụ như tự trồng giá từ đỗ xanh, hay ủ bột bánh và nướng…

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên giúp trẻ để ý thấy sự thay đổi của thời tiết, nhất là qua từng mùa. Đây là việc mang lại nhiều cảm xúc và tạo nên nhiều kỷ niệm cho trẻ. Ví dụ, bố mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy vào thời điểm nào thì lá rụng nhiều, khi nào thì cây cối có nhiều chồi non, lúc nào thì ve bắt đầu kêu… Tại gia đình, bố mẹ cũng có thể nấu và giải thích với trẻ về những món ăn phù hợp với từng mùa, từng kiểu thời tiết, hoặc từng dịp lễ tết… Tất cả những điều này đều vô cùng thú vị và đáng nhớ đối với trẻ.

Kich Thich To Mo 2
Khi để ý đến những sự thay đổi, trẻ sẽ tò mò khám phá đến những sự vật. hiện tượng đấy nhiều hơn.

Tạo cho trẻ “thế giới tí hon”

Trẻ nhỏ thường rất thích những món đồ nhỏ xinh như: khuy áo, hạt, đồng xu… Nếu bố mẹ có thể trông chừng trẻ, hoặc tìm được những thứ nho nhỏ nhưng không đến mức gây hóc, thì có thể cho trẻ chơi những trò như phân loại đồ vật vào các hộp, xỏ hạt vào dây… Ngoài ra, trẻ cũng rất thích có một địa điểm nhỏ xinh của riêng mình. Bố mẹ có thể dùng thùng các-tông, chăn... làm một “căn phòng tí hon” ngay trong nhà cho trẻ chui vào chơi và để trẻ tự tạo nên không gian riêng cho mình trong đó.

Mở rộng các hứng thú của trẻ

Trẻ có thể cực kỳ mê thích một vài điều gì đó. Mặc dù bố mẹ có thể thấy như thế là nhàm chán, nhưng trẻ thì không. Thực ra, những sở thích này là cơ hội để bố mẹ khuyến khích trẻ tìm hiểu, khám phá. Ví dụ, nếu trẻ rất thích các chú lính cứu hỏa, bố mẹ có thể sắp xếp cho trẻ đi tham quan trung tâm phòng cháy chữa cháy ở địa phương. Ngoài ra, bố mẹ luôn có thể tìm những cuốn sách phù hợp để trẻ mở rộng kiến thức, tùy theo sở thích của mình.

Kich Thich To Mo 3
Trẻ sẽ có hứng thú và tò mò về những điều chúng thích.

Biến các câu hỏi của trẻ thành “nhiệm vụ chung”

Mỗi ngày, trẻ đều có thể có vô số câu hỏi về đủ mọi lĩnh vực mà chưa chắc bố mẹ trả lời ngay được. Để nuôi dưỡng trí tò mò tự nhiên của trẻ, bố mẹ hãy ghi lại những câu hỏi, rồi cùng trẻ cố gắng giải đáp dần dần. Có nhiều cách để tìm ra những câu trả lời, như tới viện bảo tàng, thực hành các thí nghiệm, tìm trên mạng, tới hiệu sách… Bằng những cách này, trẻ vừa dễ dàng ghi nhớ thông tin, vừa giữ được hứng thú khám phá, tìm hiểu không ngừng.

Nguồn tham khảo: Baby Center

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận