4 hoạt động giúp trẻ 1-3 tuổi rèn luyện kỹ năng lắng nghe
Trí não & Nhận thức - 08/11/2019
Do hiếu động và khả năng tập trung kém nên nhiều trẻ 1-3 tuổi thường hay lơ đãng, ít tập trung lắng nghe và vì thế, không làm theo những hướng dẫn hay yêu cầu của bố mẹ.
Nhiều bố mẹ cảm thấy bực bội khi trẻ không lắng nghe và làm theo những gì mình bảo. Tuy nhiên, bố mẹ cần hiểu rằng, trẻ nhỏ rất dễ bị sao lãng, thường không thể tập trung chú ý được quá vài phút, nên mới ít lắng nghe như vậy. Nhưng khả năng tập trung của trẻ hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bố mẹ thường xuyên giúp trẻ luyện tập với những hoạt động phù hợp như dưới đây:
Trò chuyện thông qua “người bạn đồ chơi”
Mỗi lần đưa ra yêu cầu, bố mẹ có thể sử dụng một “người bạn đồ chơi” thân thiết của trẻ để nói thay cho mình, tức là giả vờ rằng “nhân vật” đó đang nói, chứ không phải bố mẹ. Với trẻ nhỏ thì đồ chơi hay thú bông có sức hút mãnh liệt và được trẻ coi là những người bạn thân thiết. Chính vì vậy, trẻ sẽ thấy thoải mái và dễ lắng nghe, rồi làm theo những yêu cầu mà “bạn” mình nói. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ coi đây là một “trò” rất vui, chứ không phải chỉ là bắt buộc phải làm theo lời bố mẹ nữa. Điều này cũng phù hợp với tính độc lập ngày càng tăng của trẻ. Lưu ý là bố mẹ nên điều chỉnh giọng nói sao cho phù hợp với giọng nhân vật đồ chơi nhé.
Bắt chước một âm thanh
Bố mẹ có thể chọn một âm thanh nào đó ở xa xa (mà trẻ không nhìn thấy nguồn của âm thanh) và cùng trẻ lắng nghe. Ví dụ, bố mẹ bảo trẻ: “Bạn chó hàng xóm đang sủa đấy!”, rồi yên lặng và tỏ ra tập trung lắng nghe, để trẻ làm theo. Sau đó, bố mẹ hãy bảo trẻ thử bắt chước âm thanh mà mình nghe thấy nhé. Việc cố gắng lắng nghe một âm thanh khi không nhìn thấy nguồn của âm thanh đó sẽ giúp cải thiện khả năng tập trung và kỹ năng lắng nghe của trẻ.
Lồng ghép bài hát vào các yêu cầu
Việc bố mẹ yêu cầu trẻ làm gì đó có thể khiến trẻ chống đối, nhưng nếu bố mẹ dùng một bài hát, cộng thêm cả động tác, để nói về yêu cầu hoặc hướng dẫn của mình, thì trẻ sẽ thấy rất vui vẻ và dễ làm theo. Ví dụ, khi muốn trẻ đánh răng, bố mẹ có thể hát ca khúc “Thằng Tí sún” và làm hành động đánh răng theo như bài hát. Trong trường hợp không có ca khúc nào phù hợp với yêu cầu của mình, bố mẹ có thể tự sáng tác ra vài câu hát mới cùng với trẻ, để trẻ có hứng thú và dễ hợp tác hơn.
Chơi soi đèn pin
Buổi tối, trước khi đi ngủ, bố mẹ có thể tắt hết đèn trong phòng đi và chỉ dùng đèn pin để chiếu vào một số đồ vật trong phòng, đồng thời đọc tên những đồ vật đó, rồi bảo trẻ thử chiếu đèn lại vào đúng những vật bố mẹ vừa chiếu. Việc tắt đèn sẽ giúp hạn chế các yếu tố gây sao lãng (như đồ chơi trong phòng), còn hoạt động chiếu đèn pin lại khiến trẻ tập trung nghe những gì bố mẹ nói, đồng thời, có thể giúp cải thiện tình trạng sợ bóng tối ở nhiều trẻ.
Nguồn tham khảo: Parents
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận