4 phương thức học hỏi và khám phá của trẻ
Trí não & Nhận thức - 16/09/2019
Trẻ luôn yêu thích khám phá và học hỏi về mọi thứ xung quanh. Nếu biết được các phương thức tiếp thu của trẻ thì chắc chắn bố mẹ sẽ có thể giúp trẻ mở rộng hiểu biết một cách rất hiệu quả và hợp lý.
Khám phá về những kiến thức mới luôn là niềm đam mê lớn lao của trẻ. Trẻ có thể học hỏi thông qua: giác quan, ngôn ngữ, logic và lý luận. Bố mẹ hãy tìm hiểu những phương thức học hỏi này để có phương pháp phù hợp, kích thích trẻ yêu mến việc tiếp thu kiến thức nhé!
Học qua các giác quan
Giai đoạn đầu, trẻ nhỏ dùng các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác) để bắt đầu tạo ra các kết nối thần kinh. Trẻ nếm, lắc và ném đồ vật, rồi bắt đầu trườn, với tay tới mọi vật, và dần dần bò rồi biết đi.
Tất cả những hành động đó giúp hình thành các đường mòn thần kinh nhằm kiểm soát chuyển động, tầm nhìn và sự phát triển ngôn ngữ. Đồng thời, não bộ cũng củng cố các mạch thần kinh và giúp các hoạt động diễn ra dễ dàng hơn. Ví dụ, trẻ sẽ cứ tạo ra tiếng động để được người lớn chú ý, cứ đưa những thứ có vị ngon vào miệng...
Học qua ngôn ngữ
Giai đoạn 2 - 7 tuổi là lúc trẻ phát triển ngôn ngữ cực nhanh, là thời điểm “vàng” để bố mẹ tạo một môi trường giàu ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ càng được tiếp xúc với nhiều từ vựng và khái niệm, thì sẽ càng phát triển thêm nhiều đường mòn thần kinh.
Học qua logic
Từ 7 tuổi đến khi học cấp 2, trẻ bắt đầu suy nghĩ logic hơn. Trong suốt giai đoạn này, trẻ có thể tạo được mối liên kết giữa các sự vật, có thể nhìn ra được những ẩn ý và kết nối chúng lại.
Về mặt xã hội, trẻ phát triển khả năng chờ đến lượt, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hiểu rằng mọi hành động đều sẽ dẫn đến hệ quả. Mạch thần kinh xử lý cảm xúc và tâm trạng được củng cố và hoàn thiện hơn. Ở giai đoạn này, bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ bằng cách giúp các con suy nghĩ về mọi thứ, ví dụ như nguyên nhân và kết quả.
Học qua lý luận
Ở tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu suy nghĩ trừu tượng và phức tạp hơn, biết cân nhắc theo kiểu “nếu... thì...” để nghĩ đến những kết quả có thể xảy ra. Ở trường học, điều này được thể hiện qua việc trẻ có thể giải những bài toán phức tạp, hiểu các nhân vật, cốt truyện một cách sâu sắc hơn khi đọc sách.
Về mặt xã hội, những kỹ năng mới giúp trẻ nhận thức rằng, phản ứng của mọi người có thể phụ thuộc vào quan điểm và những trải nghiệm khác nhau. Về mặt thể chất, trẻ có thể kết hợp các loại kỹ năng khác nhau để thực hiện một hành động phức tạp, ví dụ như đi xe đạp. Hệ thống kết nối của não bộ trở nên phức tạp hơn. Các mạch thần kinh liên kết chặt chẽ với nhau để trẻ phối hợp được nhiều kỹ năng cùng lúc.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận