Giáo dục sớm – “Ngăn chặn” thay vì “can thiệp” các vấn đề nhận thức ở trẻ!
Trí não & Nhận thức - 20/08/2019
Ở nhiều nước phát triển, giáo dục sớm được coi là chìa khóa giúp trẻ có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Giáo dục sớm/mầm non và những lợi ích chung
Theo những nghiên cứu mới nhất thì việc áp dụng giáo dục sớm cho trẻ có những lợi ích vô cùng giá trị.
Theo đó, các chương trình giáo dục mầm non chất lượng sẽ giúp trẻ phát triển tốt về nhận thức và cảm xúc. Cho nên, với những trẻ cần hỗ trợ như trẻ tự kỷ hay chậm phát triển, thì việc được giáo dục sớm có thể giúp trẻ không cần tham gia các lớp giáo dục đặc biệt hay có thêm sự hỗ trợ ngoài giờ học sau này. Từ đó, sẽ giảm thiểu chi phí và các ảnh hưởng về mặt cảm xúc của trẻ.
Như vậy, giáo dục mầm non chất lượng tạo ra lợi ích cho các gia đình, cộng đồng, cho cả nền kinh tế và cho sự phát triển của trẻ.
Thông thường, chương trình giáo dục mầm non thường nhắm đến phát triển các nhóm kỹ năng: nhận thức về ngôn ngữ, khả năng đọc viết, toán học, năng lực cảm xúc xã hội, năng lực tự điều chỉnh, động lực, sự gắn kết (trong quá trình học tập), tính kiên trì...
Giáo dục sớm giúp trẻ có khả năng học giỏi hơn trong tương lai
Tại Canada, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giáo dục mầm non giúp trẻ có con đường học tập thuận lợi ở các cấp học về sau. Ở Ontario, những lợi ích về học tập và phát triển mà trẻ có được từ thời mẫu giáo cũng sẽ không mất đi khi trẻ lớn lên. Không những thế, những chương trình giáo dục sớm chất lượng còn giúp cải thiện tỷ lệ học sinh hoàn thành trung học và cao hơn.
Giáo dục sớm giúp giảm nguy cơ trẻ phải tham gia giáo dục đặc biệt
Tại Mỹ, có khoảng 13% số lượng học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 cần các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Khoảng 60% học sinh trong số đó cần sự hỗ trợ đặc biệt trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, cảm xúc, điều chỉnh hành vi…
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu ở Mỹ đã thống kê rằng, các chương trình giáo dục mầm non giúp giảm 8% tỷ lệ trẻ cần tham gia giáo dục đặc biệt, và tăng tỷ lệ trẻ tốt nghiệp trung học lên tới 11%.
Giáo dục sớm giúp trẻ cải thiện cả sức khỏe lẫn hành vi xã hội
Theo dõi hơn 3.000 trẻ từ năm 1997 đến 2015, các nhà nghiên cứu ở Anh đã thấy rằng, những trẻ tham gia giáo dục mầm non có thể giảm tỷ lệ gặp những rủi ro trong thành tích học tập từ 40%-55%. Đặc biệt, giáo dục mầm non còn giúp trẻ giảm tỷ lệ rủi ro về sức khỏe, cả thể chất lẫn hành vi, từ 5%-39%.
Chìa khóa cho sự phát triển lành mạnh của trẻ là được tiếp cận với giáo dục từ sớm chứ không phải là can thiệp sau này. Vậy nên, bố mẹ hãy cân nhắc thời điểm, tạo điều kiện để con có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình nhé!
Xem thêm: Giáo dục mầm non giúp giảm nguy cơ phạm tội khi trẻ trưởng thành
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận