Các mốc phát triển khả năng toán học của trẻ theo độ tuổi
Trí não & Nhận thức - 16/10/2019
Ở mỗi giai đoạn, trẻ thường sẽ có những kỹ năng khác nhau liên quan đến toán học, thể hiện sự phát triển nhận thức của trẻ.
Trẻ học toán ngay từ khi bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Và mặc dù trẻ phát triển các kỹ năng toán học với những tốc độ khác nhau, nhưng có một số cột mốc mà hầu hết trẻ đều trải qua theo từng giai đoạn:
0-1 tuổi
- Bắt đầu đoán được chuỗi sự kiện. Ví dụ: mở vòi nước nghĩa là đến giờ tắm.
- Hiểu được khái niệm nguyên nhân - kết quả đơn giản. Ví dụ: lắc một cái lục lạc sẽ tạo ra âm thanh.
- Bắt đầu biết phân loại đồ vật theo những cách đơn giản. Ví dụ: biết rằng một số đồ chơi có tạo ra âm thanh và một số thì không.
- Bắt đầu hiểu được kích cỡ tương đối. Ví dụ: em bé thì nhỏ, bố mẹ thì lớn.
- Bắt đầu hiểu được các từ miêu tả mức độ. Ví dụ: nhiều hơn, to hơn, đủ...
1-3 tuổi
- Hiểu được câu hỏi “bao nhiêu” và biết rằng cần dùng con số để trả lời. Ví dụ: trẻ biết dùng ngón tay để thể hiện số tuổi của mình.
- Bắt đầu biết đếm số, mặc dù có thể chưa chuẩn.
- Hiểu được các từ đo đếm và so sánh. Ví dụ: ở trên, đằng sau, nhanh hơn...
- Biết chọn những hình cơ bản giống nhau, như ghép hình tam giác với hình tam giác, hình tròn với hình tròn...
- Khám phá việc đo đếm bằng cách đổ nước vào trong bình hoặc ra khỏi bình.
- Bắt đầu nhận ra các mẫu hành vi trong các việc thường ngày, hoặc các mẫu hình trong những vật xung quanh, như các ô gạch trên sàn...
3-4 tuổi
- Nhận ra được các hình dạng trong thế giới thực.
- Biết phân loại đồ vật theo hình dạng, kích thước hay mục đích sử dụng.
- Biết so sánh dựa trên chiều cao, kích thước hoặc giới tính.
- Biết đếm đến 20, biết chỉ chính xác và đếm được số lượng đồ vật ở trong một nhóm.
- Biết cách đọc số đúng khi nhìn chữ số. Ví dụ: nhìn số 5 thì biết đọc là “năm”.
- Sử dụng nhận thức không gian để chơi xếp hình.
- Bắt đầu dự đoán được nguyên nhân - kết quả. Ví dụ: đoán được điều gì sẽ xảy ra khi cho đồ chơi vào chậu đầy nước.
5 tuổi
- Biết đếm từ 1 đến 5 ở một bàn tay và chuyển sang bàn tay thứ hai khi đếm đến 6.
- Nhận biết được số nào lớn hơn trong hai chữ số, và nhận được mặt số lên đến 20.
- Biết vẽ hoặc vẽ lại các hình đối xứng.
- Bắt đầu biết sử dụng bản đồ đơn giản để tìm “kho báu bí mật”.
- Bắt đầu hiểu được các khái niệm thời gian cơ bản như ban ngày hay các ngày trong tuần.
- Biết làm theo các yêu cầu gồm nhiều bước, có sử dụng các từ như “bắt đầu”, “tiếp theo”...
- Hiểu được ý nghĩa của các cụm từ như “có lẽ không” hay “có khả năng”...
Mỗi trẻ sẽ có thể có tốc độ phát triển khác nhau và có những khả năng khác nhau. Chính vì thế, nếu trẻ “bỏ lỡ” một vài mốc phát triển trên thì bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Mà bố mẹ hãy luôn động viên và khuyến khích trẻ thoải mái khám phá, học hỏi về bản thân và thế giới xung quanh nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận