Trẻ mấy tháng biết ngồi? Giải đáp những thắc mắc dành cho bố mẹ
Thể chất & Dinh dưỡng - 21/04/2020
Tập ngồi là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Vậy trẻ mấy tháng biết ngồi? Bố mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết sau của ODP nhé!
Khi học được cách tự ngồi, trẻ sẽ có một góc nhìn hoàn toàn mới về thế giới quanh mình. Một khi cơ lưng và cổ đã đủ chắc để giữ cho phần trên cơ thể thẳng dậy và trẻ học được cách điều chỉnh chân sao cho người không bị ngã khi ngồi, thì việc học bò, đứng và tập đi của trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vậy trẻ mấy tháng biết ngồi? Nếu các bạn cùng lứa đều đã biết ngồi nhưng trẻ thì chưa thì bố mẹ nên làm gì?
Trẻ bao nhiêu tháng biết ngồi?
“Trẻ em mấy tháng biết ngồi?” là thắc mắc chung của khá nhiều bố mẹ, đặc biệt là những ai lần đầu nuôi con nhỏ.
Thông thường, trẻ nhỏ thường sẽ bắt đầu tập tự ngồi trong giai đoạn từ tháng thứ 4 tới tháng thứ 7. Lúc này, trẻ đã rất thành thạo trong việc lẫy và ngước cổ lên để nhìn về phía trước. Phần lớn trẻ khi được 8 tháng tuổi đều có thể tự mình ngồi mà không cần sự giúp đỡ của người lớn và không bị ngã trong khoảng vài phút. Tuy nhiên có những trẻ trẻ sau đó ngã là vì không thích mình phải ngồi.
Trẻ tập ngồi như thế nào?
Mặc dù từ những ngày đầu tiên sau sinh, bố mẹ đã có thể đỡ trẻ để con có tư thế giống như đang ngồi, nhưng trẻ nhỏ chỉ thực sự có thể tự ngồi khi có khả năng kiểm soát đầu và cổ của mình. Từ khoảng 4 tháng tuổi, các cơ từ cổ trở lên của trẻ phát triển nhanh chóng. Lúc này, con học được cách nâng và giữ cho đầu ngửa dậy khi đang nằm sấp.
Sau đó, trẻ sẽ bắt đầu tập đỡ người dậy bằng cách dùng cánh tay để nâng ngực lên khỏi mặt đất, gần giống với tư thế chống đẩy. Khi được 5 tháng tuổi, đa số trẻ sẽ có thể tự ngồi dậy mà không cần ai giúp đỡ. Tuy nhiên, lúc này bố mẹ vẫn nên ở bên cạnh trẻ để hỗ trợ cho con khi cần thiết, có thể để gối mềm ở xung quanh con để tránh trường hợp trẻ bị đau do ngã bất ngờ.
Dần dần, trẻ sẽ học được cách giữ thăng bằng khi ngồi bằng cách chống hai tay ra phía trước người. Vào thời điểm 7 tháng tuổi, trẻ gần như đã có thể tự ngồi và không cần phải chống tay như trước. Trẻ giờ đây có thể xoay người để với tới những đồ vật ở gần mình và sử dụng đôi bàn tay để thoải mái khám phá mọi thứ xung quanh. Khi được 8 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể ngồi một cách thành thạo và dễ dàng.
Làm sao để hỗ trợ trẻ tập ngồi?
Ngoài mối quan tâm về việc trẻ mấy tháng biết ngồi thì các cách để hỗ trợ trẻ tập ngồi cũng được khá nhiều bố mẹ tìm hiểu.
Việc bố mẹ đỡ đầu và cổ của trẻ có thể hỗ trợ cho sự phát triển các cơ quanh cổ và đầu cũng như khả năng kiểm soát đầu của trẻ, từ đó giúp con học ngồi dễ dàng hơn. Bố mẹ có thể thúc đẩy sự phát triển này bằng cách thường xuyên cho trẻ nằm sấp rồi gọi con ngẩng đầu lên. Hãy sử dụng những đồ chơi bắt mắt và có thể tạo ra tiếng động hoặc dùng gương khi cho trẻ tập ngồi. Cách này đặc biệt hiệu quả khi bố mẹ muốn chắc chắn rằng con đang nghe và nhìn về đúng hướng.
Khi trẻ có vẻ đã ngồi thành thạo hơn, bố mẹ có thể đặt đồ chơi hay những đồ vật bắt mắt ở quanh trẻ. Lúc này, trẻ sẽ chú ý và tập trung nhìn vào những đồ vật đó, đồng thời tập cân bằng cơ thể bằng cách chống tay khi ngồi.
Một điều quan trọng là khi trẻ mới bắt đầu tập ngồi, bố mẹ cần ngồi cạnh con để đề phòng những trường hợp rủi ro như con bị ngã.
Bố mẹ phải làm gì nếu con đến tuổi mà vẫn chưa biết ngồi?
Nếu trẻ đã 4 tháng tuổi mà vẫn chưa thể tự giữ cho đầu mình thật vững hay trẻ 9 tháng chưa có dấu hiệu nào cho thấy con có thể tự chống tay để đỡ mình dậy hay không thể ngồi mà không có sự hỗ trợ từ người lớn thì bố mẹ hãy đưa trẻ tới khám bác sĩ.
Mặc dù mỗi trẻ sẽ phát triển các kỹ năng với tốc độ khác nhau, có những trẻ hình thành các kỹ năng sớm hơn các bạn đồng trang lứa khác, nhưng khả năng kiểm soát đầu đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tập ngồi, và việc trẻ biết ngồi là nền tảng cho việc tập bò, tập đứng và tập đi của trẻ về sau. Do đó, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường thì bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và tìm ra phương pháp hỗ trợ phù hợp nhất.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên lưu ý rằng những trẻ sinh non thường đạt các cột mốc phát triển chậm hơn so với các bạn cùng lứa.
>>> Tham khảo thêm:
- Những cột mốc phát triển vận động của bé trong một năm đầu đời
- Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển kỹ năng vận động
Sau khi biết ngồi thì trẻ sẽ đạt những cột mốc nào khác trong quá trình phát triển của mình?
Sau khi bắt đầu biết ngồi, vào giai đoạn 6 đến 7 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể tiến về phía trước bằng cả hai tay và hai chân và khi được 10 tháng, trẻ đã có thể bò một cách thành thạo. Lúc này, trẻ vừa có tính tò mò lại vừa thích di chuyển. Do vậy, bố mẹ nên chú ý quan sát mỗi khi con chơi đùa.
ODPHUB hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Trẻ mấy tháng biết ngồi?” và có những phương pháp hỗ trợ trẻ tập ngồi hiệu quả.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận