Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ khóc trên máy bay và cách khắc phục

Thể chất & Dinh dưỡng - 03/07/2020

Trẻ khóc trên máy bay là hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu bố mẹ không biết cách kiểm soát hiện tượng này thì có thể ảnh hưởng xấu tới thể trạng của bé.

Tiếng trẻ khóc trên máy bay có thể khiến tất cả mọi người đều ái ngại, đặc biệt là trong những chuyến bay dài đầy mệt mỏi. Việc thay đổi độ cao đột ngột có thể khiến cơ thể nhạy cảm của bé khó thích ứng, cảm thấy khó chịu, thậm chí là đau đớn dẫn tới khóc lớn không ngừng.

Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm cách khắc phục hiện tượng này nhé!

Vì sao trẻ khóc trên máy bay?

Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Võ Thanh Quang (bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), thông thường áp suất môi trường sẽ bị thay đổi đột ngột tại thời điểm máy bay cất cánh và hạ cánh. Nếu áp suất trong tai giữa của bé không thay đổi kịp theo áp suất của môi trường, thì rất có thể tai của bé sẽ bị đau đớn do màng nhĩ bị nén mạnh.

Thay đổi áp suất là chuyện không thể tránh khỏi thế nên việc trẻ khóc trên máy bay là hiện tượng hết sức bình thường. Khi máy bay đã bay ở một độ cao ổn định thì cơn đau do áp suất trong tai giữa sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, bố mẹ không nên để bé khóc quá lâu vì bản thân bé sẽ mệt mỏi và có thể gây ảnh hưởng tới cả những người xung quanh.

vì sao trẻ khóc trên máy bay
Trẻ khóc trên máy bay là hiện tượng hết sức bình thường khi trẻ cảm thấy đau đớn vì áp suất đè lên màng nhĩ.

>>>Tham khảo thêm: 8 mẹo nhỏ giúp bố mẹ và trẻ thoải mái hơn trong những chuyến bay dài

Làm sao để khắc phục tình trạng này?

Nguyên tắc điều chỉnh áp suất trong tai giữa theo áp suất không khí để tránh cho trẻ bị đau tai, đó là khi máy bay cất cánh - áp suất không khí giảm thì áp suất trong tai cũng phải giảm, và ngược lại, khi máy bay hạ cánh - áp suất không khí tăng thì áp suất trong tai cũng phải tăng.

Đối với người lớn thì việc điều chỉnh này khá đơn giản. Khi máy bay cất cánh, chúng ta bịt mũi lại và nuốt nước bọt một vài lần để không khí thoát ra ngoài bằng tai. Còn khi hạ cánh, chúng ta chỉ cần bịt mũi vào và thổi một luồng hơi kín trong miệng để áp suất tăng lên. Tuy nhiên, việc này không hề dễ hiểu với trẻ. Thế nên bố mẹ cần sử dụng những cách khác phù hợp với từng lứa tuổi để giúp con điều chỉnh áp suất trong tai, cụ thể:

Đối với trẻ sơ sinh

Bố mẹ tuyệt đối không bế trẻ nằm ngửa vì nước bọt dễ chảy vào trong tai rất nguy hiểm. Thay vào đó bố mẹ nên bế trẻ trong tư thế đầu để cao, rồi bịt nhẹ mũi bé trong vòng 1-2 giây, lặp lại vài lần là trẻ sẽ cảm thấy đỡ đau do áp suất trong tai đã được điều chỉnh.

mẹ giúp bé sơ sinh thoải mái hơn khi đi máy bay
Bố mẹ hãy bế bé và nâng cao đầu để thực hiện thủ thuật này nhé!

Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể kết hợp với việc chơi cùng trẻ, bảo trẻ bịt mũi, ngậm miệng rồi giả vờ đóng vai con vịt kêu cạp cạp. Mỗi khi trẻ kêu, không khí sẽ thoát ra và điều chỉnh được áp suất.

Đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ nhai kẹo cao su không đường và dặn trẻ bịt mũi lại mỗi khi nuốt nước bọt. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần nhớ rằng không nên cho trẻ uống nước bằng bình nước hay ăn uống tiêu hóa nhiều vì trẻ rất dễ bị sặc và làm ảnh hưởng xấu tới hệ hô hấp.

ODPHUB hy vọng rằng, dù bố mẹ chọn sử dụng bất cứ cách nào để ngăn ngừa khả năng trẻ khóc trên máy bay thì vẫn nên tìm hiểu và đọc kỹ các hướng dẫn thực hiện trước khi áp dụng để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc nhé!

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận