Trẻ hay bị ốm vặt và cách giúp cải thiện sức khỏe cho trẻ
Thể chất & Dinh dưỡng - 17/06/2020
Ở giai đoạn dưới 3 tuổi, trẻ hay bị ốm vặt và thường xuyên bị đi bị lại khiến nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng không biết phải làm sao.
Trẻ hay bị ốm vặt là tình trạng diễn ra khá phổ biến trong thời gian trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ thường xuyên bị viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm… và bị đi bị lại nhiều lần khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng này, bố mẹ hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Tại sao trẻ hay bị ốm vặt?
Khi ở trong bụng mẹ và trong 6 tháng đầu sau sinh, trẻ sẽ được hưởng hệ “miễn dịch thụ động” từ mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ. Chính vì thế sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển khả năng miễn dịch của trẻ trong những năm đầu đời.
Thông thường, phải khoảng đến khi trẻ 3-4 tuổi, hệ miễn dịch chủ động của trẻ mới được hoàn thiện. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ tự sản xuất ra kháng thể hoặc nhận kháng thể từ bên ngoài thông qua một số biện pháp bổ sung như tiêm phòng. Trong khoảng thời gian miễn dịch thụ động đã hết (thường là sau khi trẻ cai sữa) mà hệ miễn dịch chủ động chưa hoàn thiện, trẻ thường có “khoảng trống miễn dịch”, rất dễ bị ốm vặt, nhẹ cân và còi cọc.
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh hay nôn trớ có phải là dấu hiệu trẻ đang ốm?
Khi bị ốm lâu ngày, trẻ sẽ chán ăn, bị thiếu chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu ốm vặt kéo dài, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và mắc nhiều bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Nếu bố mẹ không xử lý được vòng tròn bệnh lý này, trẻ sẽ khó có thể phát triển khỏe mạnh được.
Phòng ngừa tình trạng trẻ hay bị ốm vặt
Cải thiện sức đề kháng của trẻ nhỏ chính là chìa khóa giúp các mẹ hạn chế tình trạng trẻ bị ốm vặt. Theo các chuyên gia nhi khoa, bố mẹ nên:
- Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn tối thiểu trong 6 tháng đầu tiên: Trong sữa mẹ đặc biệt là sữa non có chứa rất nhiều các kháng thể cần thiết cho hệ miễn dịch của trẻ. Nếu có điều kiện, mẹ nên cho trẻ bú càng lâu càng tốt.
- Duy trì thói quen sống khoa học: Bố mẹ nên cho trẻ ngủ đủ giấc và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, giúp trẻ giảm thiểu các nguy cơ bị tấn công của các virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Thường xuyên cho trẻ vận động: Việc vận động thường xuyên đặc biệt là tham gia các hoạt động ngoài trời không chỉ giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh mà còn tạo cơ hội cho trẻ hấp thụ vitamin D và phát triển chiều cao tối đa.
- Tiêm vắc-xin: Tiêm vắc - xin chính là một cách giúp hoàn thiện hệ miễn dịch chủ động của trẻ. Các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, trẻ dưới 3 tuổi nên tiêm các mũi vắc-xin phòng ngừa bệnh: viêm gan B, bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, thủy đậu...Điều này sẽ giúp trẻ chủ động phòng ngừa bệnh và giảm nguy cơ tử vong.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Bố mẹ cần đảm bảo bữa ăn cho trẻ luôn cân bằng dưỡng chất giữa các nhóm chất (đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất...) đặc biệt rèn luyện thói quen ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi cũng như hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức uống có ga, thức ăn ngọt...
Sức đề kháng của trẻ sẽ được cải thiện theo thời gian và nhờ đó tình trạng trẻ hay bị ốm vặt cũng sẽ giảm dần. ODPHUB mong rằng qua bài viết này bố mẹ sẽ không còn lo lắng mỗi khi nhìn thấy các em bé bị ốm vặt cũng như biết cách chăm sóc trẻ phù hợp.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận