Tại sao trẻ bỏ bú mẹ đột ngột và mẹ nên làm thế nào?

Thể chất & Dinh dưỡng - 17/04/2020

Tại sao trẻ bỏ bú mẹ đột ngột? Mẹ nên làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Hãy cùng ODP tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Việc trẻ bỏ bú mẹ đột ngột và quấy khóc khi bú thường khiến nhiều mẹ lo lắng. Tuy nhiên, mẹ không nên quá căng thẳng hay lo lắng mà hãy quan sát, theo dõi thật kỹ những phản ứng của trẻ để tìm ra nguyên nhân khiến con khó chịu và bỏ bú. 

Trẻ bỏ bú mẹ đột ngột có phải là vấn đề nghiêm trọng?

Mẹ không nên quá lo lắng nếu trẻ chỉ bỏ bú một vài cữ (ví dụ như trẻ bỏ bú sau khi tiêm phòng) nhưng vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu nào cho thấy con gặp vấn đề về sức khỏe. Thay vào đó, mẹ hãy để cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu để cả mẹ lẫn con đều được thoải mái.

Nhiều mẹ thường mắc sai lầm là thường xuyên cho trẻ bú nhiều hơn so với nhu cầu thực tế của con, đặc biệt là trong trường hợp trẻ uống sữa công thức. Việc này khiến cho dạ dày của trẻ phải làm việc nhiều hơn và sớm hơn, đôi khi quá tải so với thực tế. Tuy nhiên, nếu cảm thấy không chắc chắn về lượng sữa mình đang cho con bú mỗi ngày, mẹ nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ.

bé bỏ bú mẹ
Mẹ không nên quá lo lắng nếu bé bỏ bú một vài cữ và vẫn khỏe mạnh, vui vẻ như bình thường.

Nguyên nhân trẻ bỏ bú mẹ đột ngột

Trẻ mắc phải một vài bệnh lý

Nếu trẻ đang ngoan và bú nhiều bỗng nhiên bú ít đi, hay khóc, thâm chí là bỏ bú thì mẹ nên kiểm tra và tìm hiểu xem con có đang gặp vấn đề gì về bệnh lý hay không, ví dụ như đau họng, nhiệt miệng, ngạt mũi, viêm tai, thân nhiệt cao...

Nếu mắc phải những bệnh lý như trên, trẻ thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, dẫn đến gắt gỏng, quấy khóc khi bú. Lúc này, mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được tư vấn và chữa trị kịp thời, tránh để tình trạng kéo dài lâu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.

Mẹ cho trẻ bú nhiều sữa công thức

Một nguyên nhân khác khiến trẻ bỏ bú mẹ đột ngột là do lượng sữa công thức mà mẹ cho trẻ bú quá nhiều khiến con cảm thấy no trong nhiều giờ, và không có nhu cầu bú mẹ. Hơn nữa, việc mẹ thêm cữ sữa công thức vào thực đơn mỗi ngày của trẻ tức là đã cắt bớt cữ sữa mẹ. Dần dần, mẹ sẽ ít sữa hơn và trẻ không muốn bú nữa vì lượng sữa mẹ chảy ra không nhiều và đều như sữa công thức.

bé bú sữa công thức
Một nguyên nhân khác khiến trẻ bỏ bú mẹ đột ngột là do lượng sữa công thức mà mẹ cho trẻ bú quá nhiều.

Trẻ không cảm thấy thoải mái

Khi lớn hơn, nhiều trẻ có thể sẽ không cảm thấy thoải mái với tư thế bú cũ. Do vậy, mẹ nên chú ý thay đổi, điều chỉnh tư thế bú phù hợp với sự phát triển cơ thể của trẻ để con được thoải mái nhất khi bú.

Sữa mẹ chảy ra quá nhiều khiến trẻ không bú kịp

Khi mẹ có quá nhiều sữa và dòng sữa chảy ra quá nhanh và nhiều, trẻ đôi khi sẽ không bú kịp, thậm chí khó chịu, nghẹt thở vì không thể điều chỉnh được dòng chảy sữa của mẹ. Khi việc bú trở nên khó khăn như vậy, trẻ thường sẽ bỏ bú mẹ.

Sữa mẹ chảy ra quá chậm

Khác với tình trạng sữa mẹ chảy ra quá nhanh và nhiều, việc sữa mẹ chảy ra quá chậm cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú mẹ đột ngột. Lúc này, lượng sữa mẹ cung cấp quá ít khiến trẻ không no, dẫn tới cáu gắt, khóc quấy.

Phản ứng của mẹ khi trẻ cắn

Có những trẻ cắn núm vú khi bú mẹ. Lúc này, mẹ thường dễ giật mình do đau và có những phản ứng bất ngờ khiến trẻ căng thẳng, dần dần con có thể cảm thấy sợ hãi và không chịu bú nữa.

>>> Tham khảo thêm:

bé bỏ bú phải làm sao
Việc sữa mẹ chảy ra quá chậm cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé bỏ bú mẹ đột ngột.

Trẻ bỏ bú, mẹ phải làm sao?

Mẹ không nên quá lo lắng khi thấy trẻ bỏ bú mẹ đột ngột. Vậy nếu bé bỏ bú mẹ phải làm sao? Lúc này, hãy tham khảo những việc sau đây: 

  • Bình tĩnh và tìm cách giúp trẻ cải thiện tâm trạng bằng cách cùng con chơi đồ chơi, đi dạo quanh, hát cho con nghe… Khi trẻ bình tĩnh và vui vẻ hơn, mẹ có thể cho trẻ thử bú lại.
  • Thay đổi tư thế bú phù hợp nhất với trẻ để con cảm thấy thoải mái và thích thú.
  • Cho trẻ bú sau khi tắm hay mát-xa cho con hoặc khi con đang thiu thiu buồn ngủ.
  • Điều chỉnh và thay đổi chế độ dinh dưỡng của mẹ. Đôi khi, những món mà mẹ ăn (ví dụ các món quá cay hay quá chua) có thể ảnh hưởng tới mùi vị của sữa khiến trẻ không hứng thú với sữa mẹ. Do đó, chế độ ăn uống khoa học và hợp lý trong giai đoạn cho con bú là rất quan trọng đối với mẹ.
  • Theo dõi và nắm bắt các giai đoạn phát triển của trẻ để nắm bắt rõ những thay đổi của con (ví dụ như khi bắt đầu tập lẫy, trẻ thường lười bú mẹ hơn).

Như vậy, nếu thấy trẻ bỏ bú mẹ đột ngột, mẹ đừng nên quá lo lắng và hãy kiên nhẫn để tìm ra nguyên nhân và cách xử lý phù hợp nhé! ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho mẹ những thông tin hữu ích, từ đó khắc phục được tình trạng trẻ bỏ bú, giúp con phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn.

 

 

 

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận