Giải mã ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh

Thể chất & Dinh dưỡng - 07/11/2019

Trẻ sơ sinh chưa biết nói để thể hiện những mong muốn của mình, nên bố mẹ hãy để ý tới ngôn ngữ cơ thể của trẻ nhé!

Khi trẻ chưa biết nói, bố mẹ có thể sẽ thấy khó hiểu được rằng trẻ đang cần gì và cảm thấy ra sao. Tuy vậy, chỉ cần chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của trẻ, bố mẹ sẽ có thể “đoán” được tâm trạng và những mong muốn của con đó!  

Cong người

Khi trẻ sơ sinh cong người về phía sau, đó có thể là dấu hiệu cho thấy con đang đau hoặc khó chịu, mà nguyên nhân thường gặp là chứng ợ nóng.

trẻ sơ sinh cong người trên giường, ngôn ngữ cơ thể
Cong người có thể là dấu hiệu cho thấy con đang đau hoặc khó chịu.

Nếu trẻ cong người trong lúc ăn, đồng thời khóc quấy hoặc nôn trớ dữ dội, thì có thể trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản (GER D). Lúc này, axit ở dạ dày trào ngược lên thực quản ở giữa ngực, và trẻ sẽ ưỡn cong lưng cho đỡ khó chịu. Ngoài ra, nếu việc trẻ cong lưng không liên quan đến ăn uống thì có thể chỉ là trẻ đang không thoải mái và muốn được âu yếm, dỗ dành.

Liên tục đạp chân

Nếu trẻ đang vui vẻ, đạp chân có thể là dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể cho thấy trẻ muốn chơi đùa. Ngược lại, trẻ vừa khóc quấy vừa đạp chân thì có thể là trẻ đang không thoải mái, ví dụ như bị đầy bụng, chỗ nằm chật chội, bỉm bẩn… Do đó, bố mẹ nên kiểm tra xem đâu là nguyên nhân nhé.

bé sơ sinh mặc áo hồng nằm trong cũi, ngôn ngữ cơ thể
Trẻ đạp chân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngoài ra, đôi khi trẻ đạp chân đơn giản chỉ vì... thích thì đạp thôi! 

Đập đầu

Khi nhìn thấy trẻ 6-12 tháng tuổi tự đập đầu mình vào tường, sàn hoặc thành cũi, nhiều bố mẹ sẽ cảm thấy lo lắng. Nhưng rất nhiều trẻ làm như vậy chỉ vì thích những nhịp chuyển động qua lại thôi. 

Phần lớn trẻ sẽ bỏ thói quen đập đầu khi lên 3 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục đập đầu trong khoảng thời gian dài, không chơi gì khác và/hoặc không tương tác với mọi người thì bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhé.

Nắm và kéo tai

Khi trẻ nắm tai và kéo tai, nhiều bố mẹ thường nghĩ rằng trẻ bị viêm tai. Nhưng thực ra, phần lớn trẻ làm như vậy là vì... nhận ra rằng mình có tai; còn bệnh viêm tai thường sẽ kèm theo những triệu chứng khác như nghẹt mũi, sốt...

bé sơ sinh nắm tai, ngôn ngữ cơ thể
Trẻ nắm và kéo tai không hẳn là do bị viêm tai.

Bố mẹ hãy cứ để trẻ tự khám phá, nhưng đồng thời cũng nên theo dõi sát sao. Trẻ cũng có thể kéo tai khi bắt đầu mọc răng hàm, nhất là khi trẻ được khoảng 1 tuổi. Nếu vậy, bố mẹ nên đưa cho trẻ miếng gặm nướu để trẻ gặm cho dễ chịu hơn.

Nắm chặt bàn tay

Trẻ mới sinh thường sẽ nắm chặt tay. Từ khoảng 8 tuần tuổi trở đi, trẻ mới bắt đầu mở bàn tay và trẻ sẽ tập cầm nắm khi được 3-4 tháng tuổi. Tuy nhiên, bàn tay nắm chặt đôi khi cũng là biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của tình trạng mệt mỏi hoặc đói.

Nếu sau 3 tháng tuổi mà trẻ vẫn luôn nắm chặt bàn tay thì bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

Co đầu gối lên

Trẻ có tư thế này khi đang… rặn ị. Ngoài ra, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề ở bụng, có thể là đầy bụng hoặc táo bón.

bé sơ sinh cười nắm bàn chân, co gối, ngôn ngữ cơ thể
Trẻ co đầu gối có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề ở bụng.

Nếu trẻ có vẻ bị đầy bụng, bố mẹ nên giúp trẻ ợ hơi trong và sau khi ăn. Nếu trẻ bú mẹ thì mẹ nên xem chế độ ăn của mình có nhiều những món ăn dễ gây đầy bụng như súp lơ xanh hay các loại hạt đậu không.

Còn trong trường hợp trẻ bị táo bón, nhất là khi trẻ chuyển từ bú mẹ sang ăn sữa bột hoặc bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi), thì bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé. 

Giật mạnh cánh tay

Chắc hẳn bố mẹ đã từng gặp tình huống như thế này: khi trẻ vừa ăn no và lơ mơ buồn ngủ, bố mẹ chuẩn bị đặt trẻ xuống giường thì hai cánh tay trẻ bỗng giật mạnh sang hai bên, khiến trẻ choàng dậy. 

Đây là phản xạ ngôn ngữ cơ thể khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, có tên khoa học là Phản xạ Moro, và nó thường tự biến mất khi trẻ được 3-4 tháng tuổi. Trẻ có phản xạ này khi bị giật mình bởi âm thanh, ánh sáng hoặc chuyển động bất ngờ, và đó cũng là phản ứng do mất cân bằng - khi trẻ cảm thấy (hoặc tưởng rằng) mình đang bị rơi. Đây là điều hoàn toàn bình thường, nhưng bố mẹ cũng có thể quấn chăn cho trẻ khi đi ngủ để trẻ đỡ giật mình nhé.

Dù sao, đây cũng chỉ là những thông tin tham khảo về ngôn ngữ cơ thể của trẻ nhỏ. Nếu bố mẹ cảm thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện gì khác thường, hãy sớm nhờ bác sĩ tư vấn nhé! 

>>> Tham khảo thêm: Giải mã 4 kiểu ngôn ngữ cơ thể phổ biến của trẻ 1-3 tuổi

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận