Giải mã 4 kiểu ngôn ngữ cơ thể phổ biến của trẻ 1-3 tuổi
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 29/11/2019
Trẻ nhỏ đôi khi sẽ có những cách gửi thông điệp không dùng lời đó bố mẹ ạ! Bài viết này sẽ giúp bố mẹ “đọc vị” trẻ 1-3 tuổi qua ngôn ngữ cơ thể của trẻ nhé!
Trẻ 1-3 tuổi có thể hiểu được nhiều từ ngữ nhưng thường chỉ sử dụng được một số ít từ trong đó. Vì vậy, bố mẹ cần dựa vào ngôn ngữ cơ thể để hiểu được tâm trạng hoặc suy nghĩ của con. Dưới đây là 4 hành động ở trẻ mà bố mẹ rất hay gặp, nhưng cũng thường hay hiểu lầm:
Đứng khoanh tay trước đồ chơi mới
Bố mẹ nghĩ rằng ý trẻ là: “Bỏ đi, con không thích nó!”.
Thực tế: “Con hơi sợ”.
Trẻ có thể đang không thoải mái và hơi e sợ, nên mới khoanh tay lại để tự bảo vệ mình.
Nếu trẻ không muốn chơi một món đồ chơi mới, bố mẹ cũng không nên ép, vì sẽ khiến trẻ càng sợ hoặc giận dữ. Một thời gian sau, bố mẹ lại có thể dùng ngôn ngữ cơ thể để khuyến khích trẻ thử chơi. Ví dụ, bố mẹ nhẹ nhàng dịch chuyển đồ chơi, xem xét nó và nói: “Cái này hay quá nhỉ!” để trẻ tò mò. Khi cảm thấy yên tâm thì trẻ sẽ bắt đầu chơi.
Không chào khi gặp người lớn mà chỉ trùm áo lên che mặt
Bố mẹ nghĩ rằng ý trẻ là: “Con không muốn gặp bác ấy!”.
Thực tế: “Con không muốn bác ấy nhìn con!”.
Trước hết, bố mẹ hãy ngó biểu cảm khuôn mặt của trẻ. Nếu trẻ đang cười, thì có thể trẻ chỉ đang đùa. Nhưng nếu khuôn mặt trẻ căng thẳng hoặc không vui, thì có thể là trẻ đột nhiên có cảm giác đề phòng. Trẻ ở giai đoạn 1-3 tuổi bắt đầu có nhiều cảm xúc mới lạ và không phải lúc nào trẻ cũng biết cách bộc lộ đâu!
Bố mẹ đừng vội “dán nhãn” cho hành vi của trẻ (ví dụ như nói với người lớn kia: “Cháu nó hơi nhát”), mà hãy cố miêu tả những gì đang xảy ra: “Con chắc đang thấy ngại nhỉ? Con cứ từ từ để bình tĩnh lại nhé, và lúc nào con muốn thì có thể ra đây chơi với mẹ và bác”.
Không nhìn thẳng vào bố mẹ khi bố mẹ bước vào phòng
Bố mẹ nghĩ rằng ý trẻ là: “Con đã làm điều có lỗi và không muốn cho bố mẹ biết”.
Thực tế: “Con thấy buồn về một việc mình đã làm”.
Không phải cứ tránh nhìn vào mắt bố mẹ có nghĩa là trẻ nói dối đâu bố mẹ ạ. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang cảm thấy xấu hổ và ăn năn (và đây cũng là điều tốt!).
Khi thấy trẻ có vẻ đang che giấu gì đó, bố mẹ nên bình tĩnh và tìm nguyên nhân. Nếu nhận ra điều trẻ làm sai, bố mẹ hãy chỉ rõ sai ở đâu và khuyên con không tái phạm. Còn nếu chưa chắc rằng trẻ đã làm gì sai, bố mẹ nên nói: “Bố/mẹ biết rằng con đang giấu chuyện gì đó. Nhưng không sao đâu mà, bố mẹ yêu con”. Nhờ đó, trẻ sẽ thấy an toàn hơn và nói thật lòng với bố mẹ.
Bỗng dưng tránh xa bố mẹ, dù trước đây luôn thích bám dính
Bố mẹ nghĩ ý trẻ là: “Bố mẹ tránh xa con ra!”.
Thực tế: “Con tự làm được mà!”.
Chuyện có vẻ không hay nhưng thực ra lại là việc tốt: trẻ đang bắt đầu tin tưởng vào chính mình và thế giới xung quanh.
Dù tỏ ra độc lập, nhưng trẻ vẫn cần bố mẹ giúp rất nhiều. Ví dụ, nếu trẻ muốn khám phá một cái cây trong công viên, bố mẹ có thể cho trẻ chạm tay vào thân cây hoặc ngửi mùi lá. Bố mẹ chỉ cần theo dõi để ngăn chặn kịp thời nếu trẻ làm gì nguy hiểm thôi (như chạm vào cành cây có gai).
>>> Tham khảo thêm: Giải mã ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận