Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh và những điều bố mẹ nên biết

Thể chất & Dinh dưỡng - 22/04/2020

Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh có thể khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Hãy cùng ODP tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng bệnh qua bài viết dưới đây nhé!

Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh mặc dù là tình trạng xảy ra khá phổ biến nhưng cũng có thể khiến nhiều bố mẹ hoang mang. Vậy tại sao trẻ sơ sinh bị vàng da? Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị bệnh vàng da? 

Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? 

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, hay còn có tên gọi khác là hoàng đảm, xảy ra khi nồng độ bilirubin (một chất được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ) trong máu tăng lên cao. Lúc này, bilirubin sẽ thấm vào da, tích tụ trong máu gây ra hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh.

Dấu hiệu bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Biểu hiện bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh đầu tiên là bố mẹ sẽ thấy da và mắt trẻ có màu vàng, bắt đầu ở mặt trước, sau đó mới lan xuống khắp cơ thể. Khi trẻ được khoảng 3 đến 7 ngày tuổi, mức độ bilirubin sẽ đạt đỉnh. Lúc này, nếu bố mẹ dùng ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ thì sẽ thấy vùng da đó có màu vàng. 

bé sơ sinh bị vàng da
Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt là điều khiến nhiều bố mẹ lo lắng.

Nguyên nhân gây bệnh vàng da ở trẻ em là gì?

Thông thường, bệnh vàng da trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý, diễn ra trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Tình trạng này thường tự biến mất sau 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng, trong trường hợp trẻ sinh non (dưới 36 tuần tuổi) thì sẽ là khoảng 2 tuần. 

Trong quá trình mang thai, gan của mẹ sẽ làm nhiệm vụ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Sau khi trẻ được sinh ra, gan của trẻ chưa phát triển đủ để có thể thực hiện được chức năng tự mình loại bỏ nồng độ bilirubin trong máu. Và kết quả là bilirubin tích tụ trong máu trẻ gây ra bệnh vàng da. Vậy nên bố mẹ đừng nên quá lo lắng khi thấy trẻ sơ sinh bị vàng da trong những ngày đầu sau sinh.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, ví dụ như: 

  • Bị bầm tím khi sinh: Có những trường hợp trẻ bị thâm tím trong quá trình sinh. Khi bị bầm tím như vậy, nồng độ bilirubin trong máu của trẻ sơ sinh rất dễ tăng cao, dẫn tới hiện tượng vàng da.
  • Trẻ bị nhiễm trùng.
  • Thiếu enzyme G6PD.
  • Trong nhà có anh hoặc chị, em ruột bị vàng da.
  • Mắc các chứng rối loạn di truyền nhất định như hội chứng Gilbert hay màng tế bào hồng cầu bị khuyết tật bẩm sinh (chẳng hạn như mắc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm, hồng cầu hình tia bắn hay rối loạn chuyển hóa di chuyển galactose huyết).
  • Có các bệnh lý như xơ nang hoặc bị nhược giáp.

vàng da ở trẻ sơ sinh
Thông thường, bệnh vàng da trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý và có thể tự biến mất trong khoảng thời gian nhất định.

Nếu bố mẹ thấy hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh kéo dài quá lâu (dài hơn khoảng thời gian trên) thì đây không còn là hiện tượng sinh lý nữa mà đã chuyển thành tình trạng bệnh lý. Lúc này, bố mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, vì tình trạng vàng da kéo dài lâu có thể kéo theo nhiều hiện tượng khác ở trẻ, bao gồm: 

  • Trẻ lười bú sữa, thường xuyên khóc quấy từng cơn, suy giảm khả năng phản xạ, gồng ưỡn người, thậm chí co giật.
  • Nếu nặng thì trẻ có thể sẽ bị hôn mê và thậm chí tử vong nếu bị ngưng thở ở giai đoạn này.
  • Trẻ có thể phải chịu đựng những di chứng về thần kinh và tinh thần về sau, ví dụ như nói ngọng, lác mắt, mắt nhìn lên, mù mắt, câm, điếc, bại não dạng múa vờn, kém thông minh, liệt một chi hoặc nhiều chi.

Những đối tượng có nguy cơ bị vàng da cao

Đối với nhiều trẻ, nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn so với các trẻ khác. Những trẻ này thường là: 

  • Trẻ sinh non (sinh ra khi mới được 36 tuần tuổi hoặc có cân nặng nhỏ hơn 2,5 kg). Gan của những trẻ này không thể xử lý bilirubin nhanh như những trẻ được sinh đủ tháng.
  • Trẻ sơ sinh lười bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, không bú đủ lượng sữa cần thiết vì nhiều nguyên nhân khác nhau. 
  • Nhóm máu của trẻ không tương thích với nhóm máu của mẹ. Lúc này, sự hình thành kháng thể trong máu của mẹ có thể ảnh hưởng và phá hủy các tế bào hồng cầu trong máu của trẻ, khiến cho nồng độ bilirubin tăng lên đột ngột.  

trẻ sơ sinh bị vàng da
Đối với nhiều trẻ, nguy cơ mắc bệnh vàng da cao hơn so với các trẻ khác.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Nhiều bố mẹ thường thắc mắc không biết bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm hay không. Trên thực tế, nếu trẻ bị vàng da sinh lý thì bố mẹ không cần phải quá lo lắng vì các triệu chứng sẽ sớm biến mất trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên với những trẻ bị vàng da bệnh lý, bố mẹ nên sớm đưa trẻ đi khám và điều trị vì nếu bệnh chuyển biến nặng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Bilirubin não cấp tính

Nếu trẻ bị vàng da nặng, bilirubin có thể sẽ đi vào trong não và đây là chất độc hại với các tế bào não, có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ vàng da bị não cấp tính bilirubin, con sẽ có các biểu hiện như lơ đãng, thường xuyên khóc thét, sốt, lười bú sữa.

Vàng da nhân

Khi bệnh não cấp tính bilirubin tác động lâu dài tới tế bào não, trẻ sẽ bị vàng da nhân. Lúc này, vàng da nhân có thể khiến cho trẻ bị bại não, suy giảm trí tuệ, suy giảm khả năng thính giác và thường nhìn ngước lên phía trên.

Bố mẹ nên theo dõi sát sao hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh để trong trường hợp có điều gì bất thường, bố mẹ có thể đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. ODPHUB hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh.

>>> Tham khảo thêm: Cách trị vàng da ở trẻ sơ sinh hiệu quả

 

 

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận