Trẻ hiểu được những gì khi nghe người lớn nói chuyện?
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 27/12/2019
Trẻ 1-3 tuổi có thể chưa nói được nhiều, nhưng trẻ thu nạp thông tin nhiều hơn mức bố mẹ nghĩ đấy! Vậy trẻ hiểu được những gì, bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Khi ở trước mặt trẻ, bố mẹ vẫn thường nói về những chuyện xảy ra trong ngày, thậm chí là nói về trẻ, so sánh tính cách của trẻ với những bạn khác. Bố mẹ nghĩ rằng trẻ 1-3 tuổi chưa nói được nhiều, nên cũng không hiểu gì mấy. Tuy nhiên, sự thật là trẻ đang lắng nghe những cuộc hội thoại phức tạp của người lớn và hiểu được nhiều điều hơn là bố mẹ nghĩ đấy! Vậy trẻ hiểu được những gì?
Trẻ hiểu được những gì?
Trẻ từ 4 tháng tuổi đã có thể nhận ra tên mình và sẽ tập trung lắng nghe hơn khi bố mẹ có nhắc đến mình trong lúc trò chuyện.
Lên 1 tuổi, phần lớn trẻ hiểu được khoảng 50 từ. Trước tiên, trẻ sẽ học những danh từ đơn giản liên quan đến người hoặc vật quen thuộc, như bố, mẹ, chó, mèo... Một vài tháng sau đó, trẻ học được thêm các động từ, như ôm, hôn, và bắt đầu hiểu cách ghép các từ để tạo thành câu.
Khi được 14 tháng tuổi, trẻ sẽ rất giỏi nhận biết và hiểu các tín hiệu xã hội. Ví dụ, khi tức giận, bố mẹ sẽ nói to hơn, có cử chỉ mạnh hơn và thở nhanh hơn. Ngược lại, khi vui vẻ, bố mẹ sẽ nói nhẹ nhàng, cả hành động và nhịp thở đều chậm rãi hơn.
Ở giai đoạn 18-24 tháng tuổi, vốn từ vựng của trẻ bắt đầu “bùng nổ”. Mỗi ngày, trẻ có thể học trung bình khoảng 9 từ mới. Trẻ cũng bắt đầu hiểu rằng cách sắp xếp từ ngữ trong câu sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của cả câu. Lúc này, trẻ không chỉ nhận ra mỗi lúc bố mẹ nói về mình, mà còn hiểu là bố mẹ đang nói gì. Ví dụ, bố mẹ phàn nàn với người khác rằng trẻ hay kéo tai chú mèo. Trẻ sẽ nhận ra tên mình và từ “mèo”, và cũng nhận ra rằng bố mẹ không hài lòng với việc gì đó mà mình làm.
>>> Tham khảo thêm: 8 cách thú vị để giúp trẻ phát triển vốn từ vựng
Bố mẹ “được” nói những gì khi có mặt trẻ?
Nếu nghe thấy bố mẹ nói về mình một cách đầy yêu thương, trẻ thường rất thích thú. Tuy nhiên, dù nói những điều tích cực thì bố mẹ cũng không nên có thói quen nói như thể không có mặt trẻ ở đó, khiến trẻ chỉ biết nghe thụ động. Thay vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ được tham gia vào cuộc trò chuyện để tăng cường khả năng ngôn ngữ và tương tác của trẻ. Ví dụ, khi mẹ muốn kể cho bố nghe về những gì trẻ làm vào tối hôm trước, mẹ có thể hỏi trẻ luôn: “Con kể cho bố nghe về trò ghép hình tối qua được không?”.
Đặc biệt, bố mẹ nên hạn chế nói những điều tiêu cực trước mặt trẻ, như: “Bé Mi nhà em quấy lắm!” hoặc “Chăm trẻ con mệt thật”. Nếu nghe thấy những điều này, trẻ có thể sẽ nhớ rất lâu và hiểu rõ hơn ý nghĩa của những câu nói đó khi trẻ lớn lên. Ví dụ, nếu trẻ nghe thấy người lớn hay nói mình là “đầu gấu”, thì sau này, khi hiểu nghĩa của từ đó, trẻ sẽ coi “đầu gấu” là một phần bản chất của mình.
ODPHUB hy vọng bài viết trên đã khiến bố mẹ phần nào biết rằng trẻ hiểu được những gì khi nghe người lớn nói. Từ đó, bố mẹ có thể lựa chọn từ ngữ và nội dung trò chuyện để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhé!
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận