8 cách thú vị để giúp trẻ phát triển vốn từ vựng
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 08/10/2019
Trước khi học đọc, trẻ cần có vốn từ vựng tương đối phong phú, và thực tế, có rất nhiều cách đơn giản để bố mẹ giúp trẻ mở rộng vốn từ.
Dưới đây là những hoạt động đơn giản và thú vị mà bố mẹ có thể áp dụng hàng ngày để giúp trẻ hình thành và phát triển vốn từ vựng cũng như các kỹ năng đọc hiểu:
Đến thư viện
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên kết giữa việc thường xuyên tới thư viện và kỹ năng đọc viết của trẻ nhỏ. Trẻ luôn cảm thấy thích đọc hơn khi ở một nơi nhiều sách báo và tài liệu.
Hơn nữa, nhiều thư viện thường có những hoạt động hấp dẫn dành cho trẻ em, qua đó, giúp trẻ học nhiều từ mới hơn và có cơ hội để giao lưu.
Dùng từ đồng nghĩa thay thế
Bố mẹ là thầy cô đầu tiên của trẻ, nên nếu bố mẹ sử dụng từ ngữ đa dạng thì trẻ cũng được mở rộng vốn từ. Bố mẹ nên dùng thật nhiều từ đồng nghĩa, vì chúng có thể mang nhiều sắc thái khác nhau. Ví dụ, đồng nghĩa với từ “cho” thì có “tặng”, “biếu”..., mỗi từ lại có sắc thái riêng và có thể được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau.
Dạy kỹ về bảng chữ cái
Bố mẹ nên thường xuyên cùng trẻ hát bài hát bảng chữ cái, để trẻ dễ nhớ và tự tin hơn khi học. Dựa trên bảng chữ cái lại có những trò chơi mở rộng từ vựng, như kể tên những đồ vật có chữ cái đầu tiên theo thứ tự bảng chữ cái. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tìm một số trò chơi online thú vị có liên quan đến bảng chữ cái nữa.
Dùng nhiều tính từ mô tả
Càng được nghe nhiều từ ngữ mỗi ngày, trẻ sẽ càng tiếp thu nhiều hơn và dần dần biết cách sử dụng những từ đã được học. Khi nói về một thứ gì đó, bố mẹ nên dùng nhiều tính từ để miêu tả, ví dụ, những từ như “mịn”, “mềm”, “sặc sỡ”, “nhẹ”... có thể được dùng để nói về một cái áo mới. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được cách sử dụng nhiều từ, kể cả những từ hơi khó.
Dán nhãn cho những đồ vật quen thuộc
Bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu và dễ dàng nhận ra từ ngữ bằng việc dán nhãn lên những đồ vật quen thuộc và ghi tên chúng. Ví dụ, bố mẹ phân loại đồ chơi của trẻ thành các thùng có ghi rõ: “Lego”, “búp bê”, “ô tô”...
Cho trẻ xem hình ảnh
Bố mẹ hãy giúp trẻ nhìn, hoặc hình dung được về những từ mà trẻ nghe thấy. Ví dụ, khi trẻ nghe nói đến từ “bóng bẩy”, bố mẹ hãy tìm hình ảnh phù hợp để trẻ xem. Bởi đối với trẻ nhỏ, việc nhìn thấy chính là học hỏi. Bố mẹ có thể sử dụng thẻ học từ vựng hoặc tranh ảnh trong sách báo để cho trẻ xem nhé.
Đọc theo vần điệu
Việc đọc theo vần điệu không chỉ vui, mà còn giúp trẻ tư duy về sự liên quan giữa những từ khác nhau. Bố mẹ hãy đọc cho trẻ nghe những cuốn sách thơ, vần điệu…, và đố trẻ tìm những từ cùng vần nhé.
Cùng trẻ đọc thành tiếng
Việc này sẽ tăng sự gắn kết giữa bố mẹ và con, đồng thời, cho trẻ tiếp xúc với nhiều từ mới. Bố mẹ nên chọn sách về những chủ đề trẻ thích, mà trong đó có những từ ngữ hơi khó hiểu đối với trẻ. Sau đó, trong quá trình đọc, bố mẹ hãy cùng trẻ tìm hiểu ý nghĩa của những từ mới, dựa trên ngữ cảnh và hình ảnh trong sách.
Nguồn tham khảo: Verywellfamily.com
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận