Làm sao để bố mẹ hiểu ngôn ngữ cơ thể của trẻ nhỏ?

Giao tiếp & Ngôn ngữ - 28/09/2019

Nếu quan sát và chú ý tới những cử chỉ của trẻ, bố mẹ sẽ hiểu ngôn ngữ cơ thể của trẻ, từ đó có thể có phản ứng phù hợp và đáp ứng những nhu cầu của con.

Trẻ nhỏ khi chưa biết nói thì không thể dùng ngôn từ để thể hiện những gì mình muốn, nhưng luôn có cách riêng để gửi thông điệp tới bố mẹ. Chính là qua ngôn ngữ cơ thể của trẻ đấy!

Do vậy, bố mẹ cần nhận diện và hiểu những tín hiệu mà trẻ phát đi, để từ đó phản hồi đúng với mong muốn của con nhé!

Làm sao để hiểu ngôn ngữ cơ thể của trẻ và bố mẹ nên phản ứng thế nào?

Nếu quan sát tất cả các bộ phận trên cơ thể trẻ, bố mẹ sẽ nhận thấy rằng, các cử chỉ của trẻ đều thay đổi theo thời gian, từ việc đạp chân, nắm tay đến biểu cảm khuôn mặt. Tất cả những cử chỉ đó đều giúp bố mẹ nhận ra cảm xúc và nhu cầu của trẻ.

Lam Sao De Hieu Ngon Ngu Co The Cua Tre Nho 1
Các cử chỉ của trẻ đều thay đổi theo thời gian.

Ví dụ, nếu để ý tới cử động cơ thể của trẻ khi trẻ đang cáu kỉnh, thì bố mẹ có thể sẽ nhận ra lý do khiến trẻ không thoải mái. Trẻ có thể sẽ quẫy đạp nếu bị ánh sáng chói hắt vào mắt, hay tay chân giật nảy lên hoặc thậm chí khóc khi có tiếng động lớn.

Ngoài ra, việc theo dõi phản ứng của trẻ cũng sẽ giúp bố mẹ tìm ra cách dỗ dành con, ví dụ như cười, hát và trò chuyện với trẻ để trẻ thấy thoải mái hơn.

Đặc biệt, nếu trẻ mỉm cười với bố mẹ, bố mẹ cũng nên cười với con nhiều nhất có thể. Việc này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương, thậm chí thúc đẩy sự phát triển não bộ của trẻ.

Khi bố mẹ chú ý và phản hồi lại những tín hiệu và ngôn ngữ cơ thể của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và gắn bó với bố mẹ hơn. Mối quan hệ tốt giữa bố mẹ và con chính là một trong những nền tảng cho sự phát triển của trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Hiểu cảm xúc từ những tín hiệu của trẻ

Ngôn ngữ cơ thể của trẻ giúp bố mẹ biết con đang thế nào: tỉnh táo và sẵn sàng vui đùa, hay không thoải mái, đói hoặc buồn ngủ… Dần dần, bố mẹ có thể dự đoán những mẫu hành vi của trẻ nữa.

Lam Sao De Hieu Ngon Ngu Co The Cua Tre 2
Ngôn ngữ cơ thể của trẻ giúp bố mẹ biết con đang thế nào.

Cách bố mẹ phản ứng với những tín hiệu của trẻ, ví dụ như cho con đi ngủ khi con có dấu hiệu buồn ngủ, có thể giúp tạo thành thói quen, nề nếp hàng ngày. Nhờ đó, bố mẹ cũng sẽ dễ chăm và hiểu con hơn.

Cách bố mẹ giao tiếp với trẻ

Khi đang tỉnh táo và lanh lợi, trẻ sẽ rất thích giao tiếp. Nếu trẻ có dấu hiệu sẵn sàng trò chuyện và vui đùa, bố mẹ có thể nói với trẻ bằng giọng nhẹ nhàng, thêm giai điệu vào câu nói và thay đổi biểu cảm khuôn mặt.

Ngay từ trước khi học nói, trẻ đã biết tạo ra các loại âm thanh khác nhau, ví dụ như hắt hơi, ho, hét lên... Dần dần, trẻ mới biết ê a để bố mẹ chú ý. Những cách bố mẹ phản hồi trẻ, dù kỳ cục đi chăng nữa, đều giúp trẻ học cách giao tiếp.

Lam Sao De Hieu Ngon Ngu Co The Cua Tre 3
Bố mẹ hãy luôn lắng nghe và phản hồi trẻ.

Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có mức độ giao tiếp khác nhau, tùy vào tính cách. Những trẻ có tính cách cởi mở sẽ nói chuyện nhiều hơn những trẻ có tính cách trầm tĩnh.

Trẻ nhỏ lúc nào cũng quan sát và theo dõi bố mẹ. Do đó, việc trò chuyện qua lại với con chính là cách để bố mẹ cùng con tạo ra và chia sẻ các trải nghiệm, từ đó giúp gắn kết mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ. 

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận