Những dấu ấn trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp của bé 6-12 tháng tuổi
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 09/09/2019
Từ 6-12 tháng tuổi, kỹ năng giao tiếp của con sẽ có những cột mốc nào? Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ở giai đoạn 6-12 tháng, bé rất tích cực lắng nghe âm thanh của tiếng mẹ đẻ. Từ 6 tháng cho đến 1 tuổi, con học thêm được rất nhiều về kỹ năng giao tiếp. Bố mẹ hãy để ý xem con có trải qua những dấu mốc quan trọng dưới đây không nhé!
Có thể phản ứng khi có người gọi tên (4-5 tháng)
Bé 4 tháng tuổi thường thích nghe tên mình hơn các loại âm thanh khác, đơn giản là bé có khả năng nhận ra âm thanh tạo thành cái tên đó, chứ không phải vì bé hiểu rằng đó là tên của mình.
Cố gắng phản ứng với âm thanh bằng cách tạo ra âm thanh (4-7 tháng tuổi)
Khi 4 tháng tuổi, rất nhiều bé có thể nghe được các từ khác nhau trong một câu hoặc cụm từ. Bé sẽ ê a vô nghĩa, nhưng đây lại là dấu hiệu cho thấy bé đang bắt đầu hiểu tiếng mẹ đẻ, cố gắng thử nghiệm các loại âm thanh, vần điệu và kết hợp âm.
Thể hiện qua âm thanh rằng mình đang vui hay không hài lòng (4-7 tháng)
Ở giai đoạn 5-7 tháng tuổi, bé thường xuyên thể hiện cảm xúc và mong muốn bằng cách tạo ra các âm thanh khác nhau, ví dụ như cười khi vui và khóc khi muốn đổi đồ chơi khác. Ở giai đoạn này, bé bắt đầu học cách gửi tín hiệu giao tiếp về các vấn đề khác ngoài mong muốn tức thời.
Biết phản ứng lại với lời từ chối (5-7 tháng)
Dù vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa các từ, nhưng ở giai đoạn này, bé có thể dừng ngay hành động của mình khi người lớn nói “không”. Tuy nhiên, bé không hiểu rằng mình đang làm sai chuyện gì. Về sau, bé có thể vẫn sẽ thử làm lại chính việc đó, và điều này thể hiện mong muốn khám phá rất lành mạnh của bé.
Bắt đầu nhận diện các loại âm thanh khác nhau (6-12 tháng)
Ở giai đoạn 6-12 tháng, bé có thể nghe và phân biệt được các ngôn ngữ khác nhau. Lúc này, não bộ của bé tự hình thành một “bản đồ âm thanh” giúp bé nghe và phân biệt âm thanh tốt hơn. Đây là nền tảng để bé tập nói khi được khoảng 1 tuổi.
Nói bi bô (6-9 tháng)
Bé sẽ học theo bố mẹ và người chăm sóc, đôi khi sẽ lặp lại cùng một âm thanh suốt cả ngày hoặc vài ngày trước khi thử một âm thanh mới. Dù 1 tuổi con mới bắt đầu nói rõ hơn, nhưng phần lớn trẻ dưới 1 tuổi đều đã có thể hiểu được nhiều từ ngữ.
Học cách đợi người khác nói xong rồi mới đến lượt mình (7-10 tháng)
Khi có người đang trò chuyện với mình, bé 7-8 tháng tuổi thường sẽ yên lặng lắng nghe và chỉ phản ứng lại khi người đối diện đã nói xong. Bố mẹ có thể làm mẫu cho con học theo bằng cách khi nói chuyện với con thì đợi con ê a trả lời rồi mới tiếp tục nói.
Có thể phản ứng lại với những yêu cầu đơn giản (8-10 tháng)
Mặc dù khoảng 1 tuổi thì bé mới bập bẹ biết nói, nhưng phần lớn trẻ nhỏ đều đã học được khá nhiều từ ngữ khi mới 8-10 tháng tuổi. Trước khi nói được, bé biết chỉ vào đồ vật khi có ai gọi tên đồ vật đó và bé cũng có thể đáp lại được những chỉ dẫn hay yêu cầu đơn giản.
Bắt đầu biết giao tiếp bằng cử chỉ và âm thanh (8-11 tháng)
Ở giai đoạn 8-10 tháng, bé sẽ cố gắng giao tiếp với mọi người bằng cử chỉ và những tiếng bi bô. Bé thường sẽ chỉ hoặc chạm vào đồ vật, với tay và tạo ra âm thanh để người lớn hiểu yêu cầu của mình.
Biết nói “baba” hay “mama” (8-12 tháng)
Bé 8-12 tháng tuổi có thể tình cờ nói những từ như “mama” hay “baba”, và học được ý nghĩa của những từ đó thông qua phản ứng của người lớn. Dần dần, bé sẽ dùng những từ đó để thu hút sự chú ý của bố mẹ. Cuối cùng, bé sẽ chỉ nói những từ này khi muốn truyền tải đúng ý nghĩa của chúng.
Bắt đầu hiểu rằng từ ngữ có thể liên quan đến đồ vật (9-12 tháng)
Ở khoảng 9 tháng tuổi, đa số các bé đã hiểu được nhiều từ ngữ để chỉ những vật cụ thể. Vì chưa thể nói được nên khi ai đó gọi tên đồ vật, con sẽ nhìn hoặc chỉ vào đồ vật đó.
Tiếng bi bô trở nên có nghĩa hơn (9-14 tháng)
Ở giai đoạn 8-12 tháng, những tiếng ê a của bé trở nên rõ ràng và giống những từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ hơn. Dù các bé bắt đầu biết nói rõ ở những thời điểm khác nhau, nhưng phần lớn các em bé 1 tuổi đã có thể bập bẹ được những âm thanh khá giống với những từ có nghĩa.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận