Giải mã những âm thanh của trẻ sơ sinh
Giao tiếp & Ngôn ngữ - 11/11/2019
Trẻ sơ sinh chưa biết nói, nhưng những âm thanh mà trẻ tạo ra cũng có những ý nghĩa nhất định đấy nhé!
Trẻ sơ sinh thường khóc rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài khóc thì trẻ cũng tạo ra nhiều âm thanh khác nữa. Mà mỗi âm thanh này lại có ý nghĩa riêng đó bố mẹ ạ!
Hét
Trẻ thường sẽ hét lên khi thích thú (như khi chơi trò ú òa). Tuy nhiên, tiếng hét nhiều khi cũng cho biết rằng trẻ đang không thoải mái (như khi “bị” bố mẹ cắt móng tay). Do đó, nếu thấy trẻ hét nhiều lần, bố mẹ hãy kiểm tra xem có điều gì đang khiến con khó chịu không nhé.
Ngoài ra, bố mẹ nên có phản hồi trước những điều khiến trẻ vui thích. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “A, con thích mẹ thổi bong bóng đúng không?”. Tuy chưa hiểu những gì bố mẹ nói, nhưng trẻ sẽ chú ý tới tông giọng và nét mặt của bố mẹ. Sự tương tác qua lại này là một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ.
Ậm ẹ
Bố mẹ có thể nghe thấy âm thanh ậm ẹ từ cổ họng của trẻ khi trẻ đang ị, hoặc có thể trẻ muốn thể hiện sự khó chịu hoặc buồn chán.
Khi được gần 1 tuổi, trẻ sẽ tạo ra tiếng ậm ừ, có thể kèm theo cả việc chỉ tay, để đòi thứ gì đó. Bố mẹ nên chú ý để đáp lại nhu cầu của trẻ theo cách nào đó, bởi khi trẻ nhận thấy rằng bố mẹ có phản ứng với những yêu cầu của mình, thì trẻ sẽ hiểu rằng ngôn ngữ có thể liên quan trực tiếp tới hành động.
Gầm gừ
Đây có thể chỉ là phản xạ của trẻ, hoặc cũng có thể trẻ cố tình gầm gừ (kiểu “gừ, grừ…”) chỉ vì thích cái cảm giác trong cổ họng của mình khi tạo ra âm thanh đó!
Khi lớn hơn, trẻ sẽ gầm gừ để tỏ ra rằng mình không thoải mái với việc gì đó, ví dụ như người lớn hôn quá nhiều.
Cười khúc khích
Khi được khoảng 4 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu cười khúc khích, thậm chí cười to. Trước tiên, đó chỉ là phản ứng thể chất với một số việc mà bố mẹ làm, như cù lét hoặc thổi vào bụng trẻ. Dần dần, trẻ sẽ cười vì những chuyện xung quanh, như khi bố mẹ làm mặt nhăn nhó chẳng hạn. Đây là lúc trẻ bắt đầu có tính hài hước, và cách đơn giản nhất để bố mẹ củng cố đặc điểm này ở trẻ chính là tiếp tục làm những chuyện “ngớ ngẩn”!
Thở dài
Từ khi được vài tuần tuổi, trẻ đã biết thở dài vì việc đó đem lại cảm giác dễ chịu, và trẻ thích phản ứng của bố mẹ mỗi khi mình thở dài. Trên thực tế, đây cũng là một cách để trẻ thư giãn và thể hiện rằng mình đang thoải mái. Bố mẹ hãy phản hồi bằng cách hít thở mạnh theo các kiểu dài ngắn khác nhau để trẻ bắt chước nhé!
Bi bô
Khi được 4-6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết bi bô, tạo ra những âm thanh có vẻ giống từ ngữ nhưng chưa rõ ràng. Trẻ có thể bắt đầu với những âm dễ nhất như “b” và “m”.
Sau một thời gian luyện tập, trẻ sẽ tạo ra được nhiều âm thanh hơn, như: “mah mah”, “bah bah”... Đây chính là tiền đề cho việc học nói của trẻ về sau. Vì vậy, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ tiếp tục nói bằng cách đáp lại trẻ cũng bằng những âm bi bô đó. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên nói những âm thanh mới để trẻ bắt chước và thích thú với việc trò chuyện nữa nhé!
Nguồn tham khảo: Parents
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận