3 cách xây dựng, củng cố hành vi tốt của trẻ

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 25/09/2019

Những lời khen ngợi, khuyến khích và phần thưởng luôn có sức mạnh kỳ diệu với trẻ em ở mọi độ tuổi. Vậy bố mẹ làm sao để khen ngợi đúng cách, không phản tác dụng nhỉ?

Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng rất thích được khen, được nhận phần thưởng. Những lời cổ vũ, khích lệ sẽ giúp trẻ tự tin và độc lập hơn. Ngoài ra, việc tặng quà cũng là một phương pháp hiệu quả để bố mẹ ghi nhận thành tích của con mình. Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu về các phương pháp này để xây dựng và củng cố hành vi tốt đẹp cho trẻ nhé!

Tre Thich Duoc Khen Ngoi
Trẻ em nào cũng thích được khen ngợi.

Những lời khen ngợi

Hãy khen ngợi khi trẻ có hành động tốt, để từ đó, giúp trẻ xây dựng lòng tự tin, biết trân trọng bản thân, cũng như biết suy nghĩ và hành động tích cực. Bằng cách khen ngợi, bố mẹ cũng sẽ khiến trẻ nhận ra đâu là những hành động tốt, để trẻ tự hào về chính mình.

Tất nhiên, bố mẹ nên có lời khen khác nhau tùy theo độ tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ nhỏ sẽ được khen khi nhanh nhẹn rời khỏi sân chơi nếu bố mẹ bảo đi về, hoặc cố gắng tự buộc dây giày; trẻ lớn hơn nên được khen vì về nhà đúng theo giờ hẹn, hoặc tự giác học bài...

Bố mẹ cũng đừng quên nói rõ lý do khen ngợi trẻ (“Mẹ rất vui vì con dọn phòng sạch thế này!”), bởi những câu khen cụ thể sẽ giúp trẻ hiểu vì sao lại được khen, và nghe sẽ chân thành hơn là những câu chung chung như: “Con rất ngoan”.

Bố mẹ nên khen trẻ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, lời khen sẽ mất hiệu quả khi nó quá mơ hồ hoặc vô lý (khi trẻ không làm việc gì tốt mà vẫn được khen).

>>>Tham khảo thêm: 7 lưu ý để bố mẹ khen ngợi trẻ đúng cách và hiệu quả

Bo Khen Ngoi Tre
Bố mẹ nên nói rõ lý do khen trẻ để trẻ biết được mình đã làm tốt điều gì, từ đó có thể củng cố hành vi tốt cho trẻ.

Dùng lời khen để xây dựng và củng cố hành vi tốt đẹp

Khi được khen vì một việc nào đó, trẻ sẽ thích lặp đi lặp lại hành động này để tiếp tục được bố mẹ khích lệ. Thế nên, bố mẹ có thể dùng lời khen để khiến trẻ thay đổi hành vi, tạo nên những thói quen tốt.

Để làm được điều này, bố mẹ hãy chú ý quan sát trẻ, kịp thời ghi nhận khi trẻ cư xử đúng đắn để khen ngợi ngay. Ban đầu, bố mẹ hãy khen ngợi mỗi khi trẻ làm như vậy. Dần dà, trẻ sẽ hình thành thói quen và số lời khen của bố mẹ có thể giảm dần đi. Đừng quên rằng bên cạnh việc khen ngợi thành tích, hãy ghi nhận nỗ lực của trẻ, ví dụ: “Thật tuyệt khi con hỏi mượn đồ chơi một cách lịch sự như vậy”.

Việc khen ngợi con cái đôi khi chẳng dễ dàng, sẽ đến lúc nào đó, khó khăn lắm bố mẹ mới tìm được lý do để khen con mình. Nhưng nếu bố mẹ quen khen ngợi con hàng ngày thì việc đó cũng sẽ rất tự nhiên và thoải mái thôi.

Khen Ngoi Tre Dung Cach Giup Cung Co Hanh Vi Tot Cho Tre
Lời khen đúng cách sẽ giúp trẻ hình thành và củng cố hành vi tốt đẹp.

Sức mạnh của sự khuyến khích

Khi khen ngợi con vì sự nỗ lực chính là lúc bố mẹ đang khuyến khích con cố gắng hơn, ví dụ: “Con cố gắng tìm cách giải bài toán này thật đó!”. Việc khuyến khích sẽ khiến trẻ sẽ muốn cố gắng hơn nữa trong tương lai. Bố mẹ có thế cổ vũ, khuyến khích con mình trong cả hai thời điểm: trước và trong khi trẻ làm việc gì đó, để trẻ có thêm động lực. Ví dụ: “Hãy cho mẹ xem con cất đồ chơi đi giỏi thế nào nào!”, hoặc: “Bố biết con đang lo lắng về bài kiểm tra, nhưng con đã học hành rất chăm chỉ. Dù kết quả thế nào đi nữa thì con cũng cố gắng hết sức mình rồi”.

Những trẻ tự ti càng cần những lời động viên, khuyến khích hơn. Khi những nỗ lực của mình được khen ngợi, trẻ sẽ dễ thấy rằng, bản thân việc cố gắng đã là điều rất tốt rồi. Từ đó, trẻ càng muốn cố gắng nhiều hơn, và sẽ lạc quan hơn khi đối mặt với thử thách.

Tre Nhan Phan Thuong
Phần thưởng nếu tặng đúng cách sẽ là động lực để trẻ cố gắng hơn

Tặng thưởng thì rất tuyệt, nhưng không nên lạm dụng

Phần thưởng là những gì trẻ nhận được vì những hành vi tốt của mình, như một cách khen ngợi của bố mẹ. Đó có thể là một điều bất ngờ, một cử chỉ tình cảm hoặc một ưu đãi đặc biệt. Chẳng hạn, để thưởng cho trẻ vì đã dọn phòng, bố mẹ có thể cho phép trẻ toàn quyền chọn món ăn mình thích vào bữa tối.

Phần thưởng sẽ làm cho những lời khen và khuyến khích của bố mẹ càng thêm hiệu quả, và trẻ sẽ càng muốn lặp lại hành động tốt nhiều lần nữa.

Tuy nhiên, bố mẹ đừng nên lạm dụng phần thưởng, mà nên tìm những cách khác để cổ vũ, khen ngợi con mình.

Cuối cùng, đừng quên rằng “hối lộ” và phần thưởng không hề giống nhau. “Hối lộ” là thứ mà bố mẹ đưa ra trước khi trẻ hành động, còn phần thưởng chỉ xuất hiện sau khi trẻ làm xong. Phần thưởng sẽ giúp củng cố hành vi tốt của trẻ, còn hối lộ thì không.

Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận