5 cách dạy dỗ của bố mẹ có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 14/11/2019
Trẻ nhỏ sẽ phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn tâm lý nếu được bố mẹ nuôi dạy đúng cách. Vậy bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu để tránh những cách dạy dỗ không phù hợp, có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ nhé!
Đôi khi, bố mẹ vì quan tâm, lo lắng cho tương lai của con trẻ mà lại chọn các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, không hợp lý. Từ đó, bố mẹ vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ trở nên mặc cảm, tự ti, chịu sức ép nặng nề. Trong khi, chính lòng tự trọng, thái độ tích cực đối với bản thân và cuộc sống, mới là công cụ giúp trẻ vượt qua thử thách và dễ gặt hái thành công. Đừng để “đường đến địa ngục được lát bằng thiện tâm”, bố mẹ hãy chú ý và tránh những cách dạy dỗ tiêu cực sau đây nhé:
Ép con vào khuôn mẫu làm giảm lòng tự trọng của con
Nhiều bố mẹ muốn gò ép con vào một khuôn mẫu chung của số đông, cho rằng như thế thì an toàn hơn, dễ hòa nhập hơn. Họ cho rằng, nếu con khác biệt theo bất kỳ cách nào, thì con sẽ bị coi là lập dị, rồi bị chế giễu, tẩy chay... Hơn nữa, họ luôn lo lắng về những đánh giá của người ngoài. Điều này không chỉ hạn chế sự phát triển chung của trẻ, mà còn khiến trẻ có lối suy nghĩ tù túng, luôn lo sợ mình khác người.
Dù khuôn mẫu là cần thiết trong một số trường hợp nhất định. Nhưng điều bố mẹ nên làm nhất là khuyến khích con sáng tạo, phát triển những ưu điểm cá nhân, trong khi vẫn tôn trọng những khuôn khổ chung của xã hội.
Gạt bỏ ước mơ, khát vọng và mục tiêu của trẻ
Nhiều trẻ có những mục tiêu và ước mơ riêng, nhưng bị bố mẹ cho là viển vông, không thực tế. Họ định hướng cho con đi theo những con đường an toàn, dễ kiếm việc làm, đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, việc này tạo cho trẻ thái độ sống ỷ lại, bị động, rồi có lúc sẽ tiếc nuối vì đã bỏ quên đam mê của mình.
Thực tế, bố mẹ nên khuyến khích con có thái độ tích cực, tự tin để theo đuổi ước mơ. Hãy cứ để con tự khám phá ra rằng những ước mơ đó có thực tế hay không. Dù thế nào đi nữa, thì sự tập trung, tận tâm và nỗ lực đều là những phẩm chất cực kỳ quan trọng mà con trẻ cần phải học.
Đánh giá năng lực trí tuệ của trẻ dựa trên điểm số
Mỗi trẻ có cách suy nghĩ khác nhau về việc học tập, cũng như về thành công. Vì vậy, điểm số thực chất không phản ánh hoàn toàn chính xác về tiềm năng của trẻ.
Thay vì quá ám ảnh bởi điểm số và gây áp lực, khiến trẻ luôn căng thẳng, bố mẹ hãy giúp trẻ phát triển kỹ năng lắng nghe, xử lý thông tin, cũng như thói quen học tập phù hợp. Đây là những kỹ năng cần thiết cho việc thu nhận kiến thức của trẻ, cả ở trong và ngoài trường học.
So sánh với “con nhà người ta”
Bố mẹ cho rằng, khi lấy đặc điểm tích cực của những đứa trẻ khác (hàng xóm, bạn bè, anh chị em của trẻ) để so sánh với con thì con sẽ tự thay đổi. Nhưng việc này luôn phản tác dụng. Nhận thức về giá trị cá nhân và lòng tự trọng của trẻ sẽ suy giảm. Trẻ trở nên tự ti và tin rằng mình vô dụng.
Trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và cần rất nhiều sự quan tâm tích cực của bố mẹ. Nên bố mẹ hãy giúp trẻ phát huy những điểm mạnh và cải thiện những điểm yếu nhé!
Luôn bắt con phải nghe lời
Nhiều bậc phụ huynh muốn kiểm soát con và đòi hỏi con phải nghe lời mình răm rắp. Sự độc đoán này khiến trẻ trở nên thụ động, tin rằng ý kiến của mình không có giá trị. Trẻ sẽ yếu đuối, dễ sợ hãi và có thái độ “phục tùng” người khác. Đây là kiểu phát triển tâm lý rất thiếu lành mạnh, bởi lòng tự trọng của trẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Đúng ra, bố mẹ cần tôn trọng quyền riêng tư của con và nên khuyến khích con phát triển suy nghĩ cá nhân. Hãy giải thích rõ cho con hiểu rằng tại sao con nên lắng nghe bố mẹ, đồng thời con cũng được phép đưa ra những ý kiến, quyết định và lựa chọn riêng của mình.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận