10 bí kíp "thôi miên" để tác động đến hành vi của trẻ (Phần 1)
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 16/11/2019
Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu các mẹo “thôi miên" để trẻ dễ hợp tác mỗi khi bố mẹ đưa ra đề nghị hoặc hướng dẫn trẻ thực hiện hành vi tốt nhé!
Theo bà Alicia Eaton - chuyên gia thôi miên và lập trình ngôn ngữ tư duy, thì chỉ với một chút thay đổi trong ngôn từ là bố mẹ có thể tạo được hiệu ứng “thôi miên”. Rồi trẻ sẽ dễ hợp tác một cách vui vẻ khi bố mẹ cần hướng dẫn hoặc đề nghị trẻ làm gì đó. Nhờ vậy, bố mẹ cũng có thể định hướng hành vi cho trẻ một cách hiệu quả và nhẹ nhàng.
Dưới đây chính là những “bí kíp” biến hóa ngôn từ mà bà Eaton chia sẻ, để bố mẹ dễ dàng tác động tới hành vi của trẻ:
Sử dụng ngôn ngữ đơn giản để hướng dẫn trẻ
Bố mẹ nên đưa ra những hướng dẫn đơn giản, ngắn gọn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ví dụ, đối với trẻ 1 đến 3 tuổi, có vốn từ chưa nhiều, thì bố mẹ không nên nói dài dòng, mà chỉ cần nói ngắn và dễ hiểu, như: “Con cất đồ chơi đi”. Với trẻ 5 tuổi, bố mẹ có thể nói cụ thể hơn: “Con cất đồ chơi vào các hộp riêng, đúng như ban đầu nhé!”.
Luôn bảo trẻ NÊN làm gì, thay vì KHÔNG NÊN làm gì
Khi bố mẹ dùng cách nói phủ định (không được/không nên), thì kết quả thường đi ngược lại với ý muốn của bố mẹ. Còn cách nói khẳng định sẽ dễ đem lại hiệu quả tích cực hơn.
Ví dụ: thay vì hướng dẫn: “Con không được vừa ăn vừa nói như vậy!”, bố mẹ hãy nói: “Con nuốt xong thức ăn rồi mới nói nhé!”.
Tạo ra ảo giác về sự lựa chọn
Nếu bố mẹ đã đưa ra những hướng dẫn khẳng định mà vẫn chưa tác động được đến trẻ, hãy tạo ra ảo giác về sự lựa chọn. Đây là những lời đề nghị với giả định rằng trẻ đã đồng ý thực hiện một hành động nào đó. Những lựa chọn được bố mẹ đưa ra chính là dựa trên giả định ban đầu đó, nhưng trẻ lại có cảm giác thoải mái vì thấy mình được quyền tự quyết. Ví dụ, nếu câu nói: “Con thay đồ đi học đi!” không hiệu quả, thì bố mẹ nên nói: “Đến giờ đi học rồi, con thích mặc quần trước hay áo trước?”.
Hãy nói như thể trẻ chắc chắn sẽ làm theo lời bố mẹ
Cách nói kiểu “khi nào xong…” sẽ gửi đi thông điệp rằng, bố mẹ mặc định việc đó sẽ được hoàn thành. Ví dụ: “Khi nào con mặc quần áo xong thì mình ăn sáng nhé!”. Điều này cũng giúp trẻ hiểu hơn về trình tự của các hành động.
Tạo sự đồng cảm giữa bố mẹ và trẻ
Khi nói chuyện, bố mẹ nên đặt mình vào vị trí của trẻ và ngược lại. Điều này sẽ tạo mối kết nối tích cực giữa bố mẹ và trẻ, khiến trẻ cảm thấy mình được tôn trọng nên sẽ có xu hướng lắng nghe. Ví dụ: bố mẹ nên nói: “Bố mẹ cũng như con, chúng ta đều sẽ bị mệt nếu không ăn uống đúng bữa đấy!”. Cách nói này đặc biệt hiệu quả đối với những trẻ có tính ngang bướng, ít nghe lời bố mẹ.
>>>Tham khảo thêm: 10 bí kíp “thôi miên" để tác động đến hành vi của trẻ (Phần 2)
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận