Bố mẹ nên làm gì khi trẻ thường xuyên mè nheo?

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 02/12/2019

Ai cũng muốn con cái ngoan ngoãn, cư xử lịch sự ở nơi công cộng. Nhưng có không ít trẻ thường xuyên mè nheo, coi đó là “vũ khí” để đòi hỏi điều gì đó ở bố mẹ. Vậy bố mẹ nên làm thế nào nhỉ?

Hẳn rất nhiều bố mẹ từng trải qua cảm giác khó xử hoặc bực bội khi con mình mè nheo, nhất là ở nơi công cộng. Trong phần lớn các trường hợp, trẻ mè nheo là để đòi mua, đòi hỏi có được thứ gì đó. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà xung quanh trẻ là rất nhiều hàng hóa, đồ chơi, quảng cáo bắt mắt.

Đôi khi, bố mẹ sẽ đành chiều theo ý trẻ chỉ để trẻ ngừng mè nheo. Tuy nhiên, như vậy thì trẻ sẽ nhận ra rằng đây là một “vũ khí lợi hại” để bố mẹ làm theo đòi hỏi của mình và sẽ còn tiếp tục quấy nhiễu trong những lần sau.

Vậy bố mẹ nên làm gì để “chữa” thói quen này của trẻ? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tham khảo những biện pháp dưới đây nhé!

Tre Me Nheo 5
Bố mẹ nào cũng bực mình trước những cơn mè nheo của trẻ

Để ngăn ngừa trẻ mè nheo

  • Trước khi đưa trẻ ra ngoài, bố mẹ hãy nói rõ một số nguyên tắc, rằng trẻ nên cư xử thế nào, và bố mẹ sẽ làm gì nếu trẻ mè nheo.
  • Khen ngợi cách cư xử lịch sự của trẻ ở nơi đông người. Ví dụ: “Mẹ rất tự hào vì con giúp mẹ chọn đồ mà không đòi mua những thứ không cần thiết”.
  • Hãy tặng cho trẻ những phần thưởng ý nghĩa vì đã cư xử đúng cách. Ví dụ: “Nếu con không đòi mua gì trong khi mẹ con mình vào siêu thị thì lúc về, mẹ sẽ cho con vào chơi một lát trong công viên”.
  • Hãy trò chuyện với trẻ về những quảng cáo sản phẩm cũng như cách mua sắm thông minh. Chẳng hạn, bố mẹ nên giải thích rằng, việc cửa hàng tặng thêm đồ chơi chỉ là để khách hàng mua nhiều đồ ăn nhanh mà thôi.
  • Thỏa thuận với trẻ về những gì gia đình sẽ mua và không mua. Sau đó, nếu trẻ đòi hỏi thì bố mẹ có thể nhắc trẻ về những thỏa thuận đó. Ví dụ: “Con có nhớ chúng ta đã quyết định không mua nước ngọt không? Bởi uống nước ngọt không tốt cho răng của con mà”.

>>>Tham khảo thêm: 3 cách xây dựng, củng cố hành vi tốt của trẻ

Tre Me Nheo 3
Trước khi đi siêu thị, bố mẹ nên quy định rõ trẻ chỉ được mua những thứ gì để tránh mè nheo

Những cách xử lý khi trẻ mè nheo

Khi trẻ mè nheo, thậm chí ăn vạ để đòi mua thứ gì đó, bố mẹ nên:

  • Nhắc lại những nguyên tắc đã thống nhất trước với trẻ.
  • Làm cho trẻ hiểu rằng bố mẹ sẽ không cân nhắc yêu cầu của trẻ, nếu trẻ không cư xử đúng mực. Ví dụ: “Con hãy nói bằng giọng lễ phép xem nào!”, hoặc: “Con đòi như thế đã đúng chưa? Con nên nói thế nào nhỉ?”.
  • Không đồng ý cũng không từ chối, một khi trẻ còn chưa cư xử đúng mực.
  • Để trẻ thấy rằng, bố mẹ đã nghe rõ và hiểu những gì trẻ đang nói. Như thế thì trẻ sẽ dễ chấp nhận câu trả lời của bố mẹ hơn. 
  • Giữ thái độ kiên quyết một khi đã từ chối. Việc chiều theo trẻ chỉ khiến trẻ càng mè nheo nhiều hơn. Còn nếu bố mẹ đã từ chối rồi lại nhượng bộ, thì trẻ hiểu rằng mình cứ ăn vạ là sẽ “thắng” bố mẹ.
  • Nhìn nhận sự thất vọng của trẻ. Ví dụ: “Mẹ biết con rất thích gói bánh quy này. Nhưng chúng ta đã có đủ đồ ăn vặt ở nhà rồi”. Cách nói này khiến trẻ cảm nhận được sự đồng cảm và ngừng đòi hỏi.
  • Làm cho trẻ nghĩ đến thứ gì đó khác sau khi đã từ chối mua đồ cho trẻ. Ví dụ: “À, chúng ta cần mua thêm cam. Con có nhìn thấy quầy cam ở đâu không?”.

Tre Me Nheo 1
Bố mẹ nên giữ bình tĩnh khi thấy trẻ mè nheo thậm chí ăn vạ

Ngoài ra, bố mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh khi trẻ mè nheo. Hãy hít thở sâu vài lần, đếm từ 1 đến 10 để cơn bực tức dịu xuống rồi hãy trả lời trẻ nhé. Bởi vì việc bố mẹ nổi giận ở nơi đông người sẽ càng khiến tình hình căng thẳng và khó xử lý hơn mà thôi.

Nguồn: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận