Những cách hữu hiệu để bố mẹ giúp trẻ thay đổi thói quen

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 03/11/2019

Trẻ nhỏ nào cũng có một vài thói quen không tốt, như cắn móng tay, ngoáy mũi, mút tay... Vậy có cách nào để bố mẹ giúp trẻ thay đổi không?

Một số thói quen của trẻ như cắn móng tay, ngoáy mũi, mút tay… trông vừa không đẹp mắt, lại không tốt cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, đa số bố mẹ thấy rằng rất khó để trẻ thay đổi thói quen. Vậy thì bố mẹ hãy đọc những thông tin hữu ích dưới đây nhé!

Thay đổi thói quen gặm đồ chơi
Nhiều trẻ nhỏ có thói quen cắn hay gặm đồ đạc

Thói quen là gì?

Thói quen là hành vi mà trẻ làm đi làm lại nhiều lần, đôi khi là làm một cách vô thức. Một số thói quen của trẻ có thể khiến bố mẹ không hài lòng, nhưng thường thì chúng cũng không đáng lo ngại. Đôi khi, trẻ cũng nhận ra những thói quen của mình, nhưng đôi khi thì không.

Một số thói quen thường thấy ở trẻ:

  • Mút ngón tay hoặc ngậm đồ chơi.
  • Cắn hoặc cậy móng tay.
  • Xoắn và giật tóc.
  • Ngoáy mũi.
  • Cậy những vết xước.
  • Cắn môi.
  • Cắn bút chì, quần áo hoặc các vật khác.
  • Nghiến răng.

Thay đổi thói quen cắn móng tay
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ hình thành một thói quen nào đó.

Những thói quen từ đâu mà có?

Một số hành động có thể khiến trẻ cảm thấy dễ chịu. Chẳng hạn, việc mút tay làm cho trẻ nhỏ bớt căng thẳng và lo lắng. Đôi khi, thói quen cũng xuất hiện khi trẻ quá rảnh rỗi và buồn chán, nên bắt đầu thực hiện hành động gì đó cho vui.

Cũng có những thói quen hình thành do một vài vấn đề nhất định, nhưng ngay cả khi vấn đề đó không còn nữa thì trẻ vẫn giữ thói quen. Ví dụ, khi bị cảm lạnh, trẻ cậy mũi cho đỡ vướng. Nhưng khi đã hết cảm lạnh và đã biết xì mũi thì trẻ vẫn có thể giữ thói quen cậy mũi.

Ngoài ra, vì trẻ luôn quan sát bố mẹ nên có thể bắt chước một vài thói quen nào đó của bố mẹ nữa.

Tuy nhiên, có một số hành vi trông tưởng như thói quen nhưng lại có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó. Ví dụ, nếu trẻ bỗng dưng thường xuyên ngoáy tai, kéo tai và nhăn nhó, cáu kỉnh, thì có thể trẻ bị viêm tai hay mọc răng.

Thay đổi thói quen giật tóc
Bố mẹ cần rất kiên nhẫn khi giúp trẻ thay đổi thói quen.

Khi nào thì bố mẹ cần giúp trẻ thay đổi thói quen?

Đa số trẻ sẽ tự tạm biệt các thói quen này khi lớn hơn một chút, thường là khi qua 5 tuổi. Nhưng nếu các thói quen làm ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc cuộc sống hằng ngày của trẻ, hoặc là những thói quen đáng xấu hổ, thì bố mẹ cần giúp trẻ thay đổi.

Chẳng hạn, mút tay là thói quen phổ biến và bình thường ở trẻ em. Nhưng nếu trẻ lúc nào cũng đưa tay vào miệng, làm ảnh hưởng cả đến việc ăn uống thì bố mẹ cần can thiệp.

Thay đổi thói quen ngoáy mũi
Có nhiều mẹo nhỏ để bố mẹ giúp trẻ từ bỏ một thói quen chưa tốt.

Những mẹo giúp trẻ thay đổi thói quen

  • Nhắc nhở trẻ một cách nhẹ nhàng. Ví dụ, khi thấy trẻ đang cắn ống tay áo thì bố mẹ có thể nói: “Đừng nhai tay áo nữa nha, bẩn lắm đó”.
  • Khuyến khích trẻ làm việc khác khi quá rảnh rỗi. Chẳng hạn, bố mẹ nên bảo trẻ chơi những trò sáng tạo với ngón tay để trẻ quên việc mút tay.
  • Cố gắng tìm nguyên nhân của các hành vi và gợi ý cho trẻ những hành vi khác để thay thế. Ví dụ, nếu thấy trẻ nhăn nhó, loanh quanh khi buồn đi vệ sinh mà không chịu chạy ra nhà vệ sinh, bố mẹ có thể hỏi: “Con cần đi vệ sinh đúng không? Hãy nói với bố mẹ xem nào”.
  • Một số thói quen có thể đi kèm với nhau như mút tay và giật tóc. Khi bố mẹ giúp trẻ từ bỏ được một thói quen thì thói quen còn lại cũng có thể biến mất theo.
  • Khi trẻ thay đổi được hành vi, bố mẹ nhớ khen ngợi thật nhiều nhé. Ví dụ: “Tuyệt quá, bây giờ con không cho tay vào miệng nữa thì bố mẹ có thể nghe con nói rõ hơn nhiều đấy!”. Những lời khen luôn khiến trẻ có động lực để cố gắng và thay đổi mà!
 Nguồn tham khảo: Raising Children

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận