5 cách để bố mẹ xử lý khi trẻ nổi cơn cáu giận

Cảm xúc & Kết nối xã hội - 17/12/2019

Thực tế, bản thân cơn cáu giận không gây hại nhiều cho trẻ. Nhưng nếu bố mẹ không làm cho trẻ dừng lại kịp thời thì trẻ mới dễ bị tổn thương.

Trẻ nhỏ dường như luôn sẵn sàng nổi giận, ăn vạ, làm ầm ỹ khi không vừa ý hoặc để đòi được những điều mình muốn. Hầu hết những cơn cáu giận của trẻ không mang tính bạo lực, mà chỉ đi kèm với rất nhiều nước mắt và tiếng la hét. Bản thân việc khóc lóc và gào thét sẽ không gây hại gì cho trẻ đâu, nhưng nếu bố mẹ không kịp thời ngăn chặn những cơn cáu giận đó thì trẻ mới dễ bị tổn thương.

May mắn thay, dù ở thời điểm nào, bố mẹ cũng có thể bắt đầu áp dụng những phương pháp hiệu quả để đối phó với những cơn cáu giận của trẻ. ODPHUB xin giới thiệu với bố mẹ những cách dưới đây nhé:

Đảm bảo không gian an toàn cho trẻ

Khi nổi cơn giận thì trẻ có thể đấm đá, ném đồ, lăn lộn trên sàn hay lao vào tường, nên rất dễ bị thương. Vì vậy, nếu thấy trẻ sắp nổi cơn cáu giận, bố mẹ hãy cố gắng xoa dịu trẻ, nhưng cố gắng không nhượng bộ.

Còn nếu bố mẹ không thể ngăn chặn cơn cáu giận của trẻ và trẻ có thói quen quậy phá khi tức tối, thì bố mẹ hãy đảm bảo rằng không gian xung quanh trẻ đủ an toàn. Chẳng hạn, bố mẹ hãy cho trẻ ngồi lên ghế sofa có đệm êm, hoặc trên giường và quây gối xung quanh. Nếu trẻ còn nhỏ và đang ngồi trên xe đẩy thì bố mẹ hãy cài chặt những đai an toàn nữa nhé.

Moi Truong An Toan Cho Tre Cau Gian 2
Một môi trường có sofa mềm mại, hoặc thật nhiều gối ôm là môi trường an toàn lý tưởng cho trẻ.

Trao đổi rõ ràng

Khi trẻ đã ở nơi đủ an toàn, bố mẹ hãy cố gắng tìm hiểu lý do tại sao trẻ cáu giận. Nếu trẻ bực bội vì thất vọng, bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ thể hiện cảm xúc một cách phù hợp. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu hình thành tính độc lập, nhưng lại chưa có đủ kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng tự kiểm soát, nên rất cần sự giúp đỡ của bố mẹ.

Bố mẹ cũng nên nhìn quanh để tìm hiểu xem điều gì có thể là nguyên nhân, rồi bình tĩnh giúp trẻ giải quyết. Một bình sữa đã uống hết, một đôi tất gây cộm chân, hay một nốt kiến cắn… đều có thể khiến trẻ bực tức. Cơn cáu giận của trẻ có thể được giải quyết rất dễ dàng, một khi bố mẹ cố gắng nhìn mọi thứ từ vị trí của trẻ. Và khi nhận được sự cảm thông của bố mẹ và thì trẻ sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn.

Bo Trao Doi Ro Rang Voi Con Khi Con Cau Gian 2
Hãy bình tĩnh trao đổi rõ ràng với con để tìm hiểu nguyên nhân khiến con cáu kỉnh bố mẹ nhé!

Ôm trẻ vào lòng

Nếu trẻ không thể tự bình tĩnh lại sau vài phút, bố mẹ hãy ôm trẻ vào lòng. Đôi khi, trẻ bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực nên rất cần bố mẹ giúp đỡ để kiểm soát bản thân tốt hơn. Khi ôm trẻ, bố mẹ có thể nhẹ nhàng trấn an: “Mọi thứ sẽ ổn thôi, con bình tĩnh lại nhé!”.

Cứng rắn và dùng kỷ luật nếu cần thiết

Nhiều trẻ cáu giận để ép bố mẹ phải làm theo ý mình. Chẳng hạn, trẻ có thể làm ầm ỹ khi bố mẹ từ chối yêu cầu của trẻ, hoặc khi bố mẹ bảo trẻ phải làm gì đó mà trẻ không thích.

Trong trường hợp này, áp dụng kỷ luật chính là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Bố mẹ nên cảnh báo rằng trẻ phải ngừng ăn vạ, nếu không, bố mẹ sẽ dùng phương pháp cách ly tạm thời (time-out). Và bố mẹ nên thực hiện đúng những gì mình nói nếu trẻ vẫn không thay đổi. Bởi nếu bố mẹ đầu hàng trước những cơn giận dữ của trẻ, trẻ sẽ nhận thấy rằng “biện pháp” của mình là có hiệu quả. Rồi về lâu dài, lời nói của bố mẹ sẽ mất đi trọng lượng và trẻ sẽ càng hay giận dữ hơn.

>>>Tham khảo thêm: Những cách rèn nếp kỷ luật hiệu quả và lành mạnh cho con

Ky Luat Timeout Khi Con Cau Gian 2
Bố mẹ có thể áp dụng phương pháp cách ly tạm thời để giúp trẻ bình tĩnh lại.

Áp dụng kỷ luật nhất quán trước những cơn cáu giận có chủ đích của trẻ

Trẻ hiểu rằng bố mẹ sẽ luôn quan tâm chú ý mỗi khi trẻ bị đau hoặc ốm. Vì thế, một số trẻ có thể đập đầu hoặc có những hành động tự gây tổn thương (tự cào cấu, cố nôn ọe…) để gây sức ép với bố mẹ. Nếu trẻ làm vậy, thì bố mẹ càng cần giữ bình tĩnh để kiểm soát tình hình và thực hiện nhất quán các biện pháp kỷ luật.

Đầu tiên, bố mẹ lại phải đảm bảo rằng trẻ đang ở trong một không gian đủ an toàn. Nếu bố mẹ áp dụng phương pháp cách ly tạm thời khi trẻ có dấu hiệu tức giận kéo dài và hay đấm đá, thì hãy chọn chỗ cách ly có nhiều gối, đệm êm.

Ap Dung Ky Luat Khi Con Cau Gian Co Chu Dich 2
Bố mẹ hãy áp dụng phương pháp kỷ luật một cách nhất quán, và đừng dễ dàng nhượng bộ trước những cơn cáu giận của trẻ nhé!

Phương pháp cách ly tạm thời trong trường hợp này sẽ làm giảm bớt những hành vi không mong muốn của trẻ.

Để điều chỉnh được hành vi cũng như ngăn chặn những cơn cáu giận của trẻ, bố mẹ cần để ý xem trẻ bực tức vì thất vọng hay bực tức có chủ đích (trẻ “ăn vạ” để đòi điều mình muốn). Từ đó, bố mẹ mới có thể lựa chọn các phương pháp giải quyết phù hợp và hiệu quả.

Bình luận

bình luận

Xem thêm bình luận