Những cách rèn nếp kỷ luật hiệu quả và lành mạnh cho con
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 29/08/2019
Để đưa trẻ vào nề nếp không phải là điều dễ dàng có thể làm trong một sớm một chiều, nhưng chỉ cần dành nhiều sự chú ý tới hành vi của trẻ thì bố mẹ hoàn toàn có thể rèn luyện cho trẻ từ sớm.
Có kỷ luật là phẩm chất cực kỳ cần thiết của tất cả mọi người và việc rèn kỷ luật cần bắt đầu từ khi còn nhỏ. Điều này đòi hỏi bố mẹ dành nhiều thời gian và kiên nhẫn để dạy con một cách hiệu quả và lành mạnh.
Tuy nhiên, việc đó cũng không phải quá khó khăn, nếu bố mẹ biết được những “bí kíp” sau đây:
Đối với bé sơ sinh
- Bé sơ sinh dõi theo và học hành vi của bố mẹ, vì vậy, bố mẹ hãy làm gương cho con, thực hiện đúng những hành vi mà bố mẹ mong muốn ở con.
- Sử dụng câu khẳng định để hướng dẫn bé. Ví dụ, bố mẹ nên bảo con: “Con ngồi xuống đi!”, thay vì “Con đừng có đứng!”.
- Để dành từ “Không” cho những vấn đề đặc biệt quan trọng, như sự an toàn của trẻ. Để giảm thiểu những tình huống phải nói “Không”, bố mẹ hãy đặt những đồ vật gây nguy hiểm hoặc quá hấp dẫn ra ngoài tầm với.
- Gây sao lãng và thay thế những vật nguy hiểm bằng những đồ chơi thân thiện với trẻ em.
- Mọi trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh, đều cần có kỷ luật nhất quán. Vì vậy, bố mẹ hãy trao đổi với nhau và với các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người trông trẻ, để thiết lập những quy tắc cơ bản mà mọi người đều tuân theo.
Đối với bé 1-3 tuổi
- Bé bắt đầu nhận ra điều gì được phép và không được phép làm, nhưng vẫn có thể thử một số việc để xem phản ứng của bố mẹ. Vậy bố mẹ nên khen ngợi những hành vi tốt và phớt lờ những hành vi không đáng khuyến khích, hoặc chuyển sang hoạt động khác khi cần.
- Bé có thể hay ăn vạ khi phải tập luyện các kỹ năng và kiểm soát tình huống mới. Bố mẹ nên dự đoán các nguyên nhân gây ra cơn cáu giận của bé, như mệt mỏi hoặc đói bụng, và giúp bé bớt ăn vạ bằng cách ăn ngủ đúng giờ.
- Dạy bé không được đập phá, cắn, hoặc có những hành vi hung hãn. Bố mẹ cũng cần làm gương bằng cách không đánh đòn bé. Nếu có xung đột giữa bố mẹ thì cũng nên giải quyết nhẹ nhàng.
- Luôn nhất quán trong việc áp dụng các giới hạn.
- Chú ý những mâu thuẫn giữa các con, nhưng không bênh ai. Ví dụ, nếu bọn trẻ tranh nhau đồ chơi thì bố mẹ có thể cất đồ chơi đó đi.
Đối với trẻ mẫu giáo
- Phân công việc nhà phù hợp với lứa tuổi của trẻ, như tự dọn đồ chơi. Bố mẹ nên đưa ra từng bước chỉ dẫn đơn giản và khen ngợi khi con làm được.
- Cho phép trẻ lựa chọn giữa những giải pháp phù hợp, nhưng đồng thời, bố mẹ cũng có thể chuyển hướng hoặc đặt các giới hạn cần thiết.
- Dạy trẻ cách đối xử với người khác như cách mình muốn họ đối xử với mình.
- Giải thích với trẻ rằng, thi thoảng cảm thấy giận dữ là chuyện bình thường, nhưng không được làm đau người khác hoặc phá đồ đạc. Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách đối phó với cảm xúc tức giận bằng những cách tích cực, như chia sẻ với bố mẹ.
- Để giải quyết mâu thuẫn, bố mẹ có thể loại bỏ nguyên nhân gây mâu thuẫn hoặc cho trẻ tạm ngừng hoạt động liên quan.
- Tags:
Bình luận
bình luận
Xem thêm bình luận